Bao giờ hết “bắt cóc bỏ đĩa” Thực hiện Chỉ thị 01 của UBND TP về việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài phản ánh những bất cập trong công tác quản lý trật tự đô thị. Trong quá trình làm việc, hầu hết lãnh đạo các phường, xã đều khẳng định đã nhiều lần tổ chức ra quân, tuy nhiên do lực lượng mỏng, địa bàn rộng và nhu cầu của người dân cao… để biện minh cho việc chợ cóc "càng dẹp càng phình". Tuy nhiên, theo điều tra riêng của chúng tôi và phản ánh của người dân, sở dĩ chợ cóc, chợ tạm vẫn tồn tại một phần do có sự tiếp tay của một số đối tượng xã hội và những người thực thi công vụ, đặc biệt là công an các phường, xã.
Chợ cóc trên phố Pháo Đài Láng. Ảnh: Trình Vũ |
Chợ cóc trên phố Vũ Tông Phan là một trong những ví dụ điển hình cho việc xử lý vi phạm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", nạn "bảo kê" và sự thiếu quyết liệt của chính quyền sở tại. Cụ thể, đầu năm 2013, trước tình trạng họp chợ tràn lan diễn ra tại đây, Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Khương Đình đã bố trí hàng chục chiến sĩ tổ chức chốt trực tại khu vực trên trong gần một tháng. Thế nhưng, khi công an quận rút đi và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, vi phạm lại tái diễn, thậm chí mức độ vi phạm còn tăng lên gấp bội. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền sở tại làm ngơ cho vi phạm tồn tại? Cũng liên quan đến khu vực này, ngày 26/8 vừa qua, quận Thanh Xuân và Hoàng Mai đã huy động hơn 170 chiến sĩ, cán bộ một lần nữa tổ chức ra quân giải tỏa những vi phạm tại đây. Cùng với đó, Công an quận Thanh Xuân đã bắt 5 đối tượng liên quan đến việc bảo kê tranh giành chỗ bán hàng. Trao đổi với chúng tôi, người dân sống tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho rằng, ngoài việc phải trả tiền "bảo kê" cho một số "đầu gấu", một số người bán hàng còn phải đóng thêm một khoản tiền không nhỏ cho các lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự đô thị. Những phản ánh trên không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế, người dân và báo chí đã từng phát giác việc dân phòng đi thu tiền "vệ sinh chợ" hay cảnh sát về hưu "quen mui" đi xin tiền của những người bán hàng rong. Mặc dù, những thông tin, ý kiến trên cần được kiểm chứng, tuy nhiên, với những việc chợ cóc, chợ tạm tồn tại, diễn ra trong nhiều năm qua, những phản ánh trên là có cơ sở. Tiêu chí để đánh giá thi đua Theo UBND TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã tổ chức nhiều đợt ra quân với quy mô lớn, thực hiện giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm. Về nguyên nhân khách quan của việc tồn tại chợ cóc, chợ tạm, đa số các hộ từ các huyện ngoại thành vào buôn bán, nên khi giải tỏa chợ cóc lại có xu hướng phát sinh mới các tụ điểm chợ cóc tại khu vực khác. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân theo kiểu "tiện đâu mua đấy" đã "tiếp tay" cho người kinh doanh không cố định. Công tác duy trì lực lượng để giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm chưa được thường xuyên do lực lượng công an, lực lượng tự quản tại các xã, phường còn mỏng và tham gia nhiều công tác khác tại địa phương nên nhiều lúc còn buông lỏng quản lý. Để thực hiện giải tỏa triệt để tình trạng tồn tại các tụ điểm chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND TP giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể để giải tỏa dứt điểm các chợ cóc còn tồn tại trên địa bàn. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể đối với Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn, nơi có tụ điểm chợ cóc, chợ tạm đang tồn tại. Đảm bảo duy trì lực lượng kiểm tra, kiểm soát, không để tụ điểm chợ cóc, chợ tạm họp không đúng nơi quy định hoặc tái họp trở lại. Lãnh đạo UBND TP cho biết, sẽ coi đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND một phường trên địa bàn quận Đống Đa lại lo lắng về tiêu chí đánh giá thi đua này. Nếu trên địa bàn có những điểm nóng về công tác trật tự đô thị, Chủ tịch UBND các phường phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo cấp trên. Thế nhưng, UBND phường lại không có chức năng xử phạt, đó là quyền hạn của Công an phường. Mặc dù chịu sự quản lý của UBND phường, nhưng nếu Trưởng Công an phường không quyết liệt xử lý vi phạm, UBND phường cũng đành chịu. Do đó, cần phải giao chỉ tiêu và xem xét trách nhiệm đối với lực lượng công an phường, những người trực tiếp làm nhiệm vụ này nếu để xảy ra vi phạm.