Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số 31, ra ngày 5/2 có bài: “Bãi tập kết cát trái phép tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên: Vì sao vẫn được hoạt động?”. Sau khi đăng tải bài viết, gần đây, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin hàng chục ngàn mét vuông đất bãi ven sông Hồng của xã Khai Thái nhiều năm qua cũng bị sử dụng làm bến, bãi tập kết cát trái phép.
2 bãi cát “khủng” hoạt động trái phép
Giữa tháng 2/2015, chúng tôi trở lại vùng bãi sông Hồng của huyện Phú Xuyên để kiểm chứng thông tin người dân phản ánh về hoạt động trái phép của 2 bãi cát “khủng” do ông Nguyễn Minh Hải và ông Nguyễn Văn Chung làm chủ nhiều năm qua đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Có mặt tại khu vực 2 bãi cát của ông Hải ở thôn Khai Thái và ông Chung ở vùng bãi thôn Lập Phương mới thấy đại công trường bến, bãi tập kết cát đang hoạt động khủng thế nào. Trước mắt chúng tôi là vùng bãi ven sông Hồng với những núi cát cao gần 10m, dài hàng trăm mét. Liền kề núi cát là những thùng vũng đã bị chủ bãi đào xới lấy cát chở đi bán kiếm lời tạo ra độ sâu 7 - 8m, rộng hàng ngàn mét vuông.
Theo nguồn tin của người dân địa phương, nhiều năm qua, hàng ngàn lượt xe ô tô trọng tải lớn của ông Hải và ông Chung thường xuyên vào bãi chở cát đem đi bán khiến toàn bộ con đường dẫn ra vùng bãi bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường đê và
đường liên xã của xã Khai Thái và các xã liền kề cũng bị hư hỏng nặng do những chiếc xe trọng tải lớn chạy suốt ngày đêm gây ra. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, những chiếc máy xúc và ô tô trọng tải lớn vẫn đang tấp nập hoạt động hết công suất để chở cát đi bán nhưng không hề bị lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên xử lý. Chính vì lợi nhuận cao thu được từ việc bán cát nên các chủ bến, bãi đã bất chấp, cố tình vi phạm.
Để làm rõ việc vì sao 2 bãi cát tại xã Khai Thái tuy chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động, chúng tôi đã thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn. Qua đó được biết, năm 2009, UBND xã Khai Thái ký hợp đồng cho ông Hải và ông Chung thuê hơn 20.000m2 đất ven sông Hồng để làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) tạo nguồn thu cho địa phương khoảng 100 triệu đồng/năm.
Nhưng, chỉ được một thời gian, xe ô tô quá tải trọng vào bến chở cát đã làm hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông của xã và tuyến đê sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc phản đối. Do đó, đầu năm 2013, UBND huyện yêu cầu UBND xã thanh lý hợp đồng và áp dụng các biện pháp mạnh để chủ bến bãi dừng hoạt động, đồng thời phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, UBND xã mới thực hiện được việc thanh lý hợp đồng, nhưng vẫn để các chủ bến, bãi sử dụng diện tích đất làm bãi tập kết VLXD mà không phải nộp tiền thuê đất. Bên cạnh đó, các chủ bãi còn mở rộng diện tích sử dụng đất thêm hàng chục ngàn mét vuông nữa.
Trách nhiệm thuộc về cấp nào?
Phó Chủ tịch UBND xã Khai Thái Nguyễn Viết Thắng thừa nhận, hoạt động của 2 bãi cát ven sông Hồng trên địa bàn xã đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân, cây trồng và làm hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông của xã và các xã lân cận. Để khắc phục hậu quả việc xe ô tô trọng tải lớn chở cát gây ra, UBND xã đã làm barie chắn hạn chế xe ô tô trọng tải lớn. Tuy nhiên, các chủ xe đã nhiều lần phá barie. “2 năm qua, ông Hải và ông Chung cố tình sử dụng đất làm bãi tập kết VLXD trái phép và không nộp hơn 100 triệu đồng tiền sử dụng đất/năm, gây thất thu nguồn thu thuế cho Nhà nước như người dân phản ánh là đúng. Do hoạt động của 2 bãi cát này lớn, vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm của cấp xã nên địa phương đành bất lực để vi phạm tồn tại. Ngày 4/11/2014, UBND xã có Báo cáo số 79/BC-UBND gửi UBND huyện đề xuất hướng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm” - ông Thắng nói.
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Xuyên Ngô Xuân Hóa khẳng định, sau khi kiểm tra hoạt động khai thác và hợp đồng cho thuê đất vùng bãi ven sông Hồng để làm bãi tập kết VLXD, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Khai Thái thanh lý hợp đồng và dừng hoạt động chờ giải quyết. Để phù hợp với quy hoạch và đảm bảo nguồn VLXD cung cấp cho các xã trên địa bàn huyện, ngày 11/6/2014, UBND huyện có Báo cáo số 118/BC-UBND đề nghị điều chuyển vị trí quy hoạch bãi trung chuyển VLXD từ xã Thụy Phú sang xã Khai Thái gửi UBND TP và các sở, ngành liên quan. Qua đó, ngày 9/12/2014, UBND TP đã có Quyết định số 6572/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, trong đó có vị trí 2 điểm tập kết VLXD tại vùng bãi sông Hồng của xã Khai Thái với 7ha.
Ông Hóa thừa nhận: “Tuy UBND TP mới có chủ trương quy hoạch 2 bãi tập kết VLXD tại xã Khai Thái, nhưng nhiều năm qua, các chủ bến, bãi đã cố tình sử dụng mặt bằng trái phép để tập kết VLXD mà không trả tiền thuê đất và gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND xã và các phòng, ban chuyên môn liên quan, trong đó có một phần trách nhiệm của Phòng TN&MT. Để xử lý dứt điểm vi phạm, thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra hoạt động và hoàn thiện hồ sơ của 2 bãi cát nêu trên rồi đề xuất với UBND huyện hướng xử lý, tránh gây thất thu nguồn thu thuế và lãng phí tài nguyên của Nhà nước”.
Đoạn đường dẫn xuống khu vực bãi cát tại xã Khai Thái. Ảnh: Trường Nguyễn
|
Ngày 11/2, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 900/VP-TNMT gửi UBND huyện Phú Xuyên. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh giao UBND huyện Phú Xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, thông tin trả lời báo Kinh tế & Đô thị theo quy định và báo cáo UBND TP trước ngày 10/3. |