“Chiếm lĩnh” thị trường Việt không chỉ bằng chất lượng và giá cả mà thông qua các chính sách cũng như chiến lược vô cùng bài bản, hàng Thái, hàng Nhật đang dần “ép chết” hàng Việt.Bán tại gia, giao tận nhàKhi những e ngại về chất lượng hàng Trung Quốc dấy lên cũng là lúc hàng Thái, hàng Nhật có cơ hội đổ bộ vào thị trường Việt, phủ sóng hầu hết các ngóc ngách, từ chợ truyền thống cho đến “chợ” online, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị. Thậm chí, hàng Thái còn được đưa đến tận vùng sâu, vùng xa. Các chợ đầu mối chuyên phân phối hàng sỉ như Đồng Xuân (Hà Nội), Tân Bình, An Đông (TP.HCM) cũng chuyển dần sang hàng Thái Lan. Đặc biệt với chiêu thức “giao hàng miễn phí cho hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên”, hàng Thái đã chinh phục không ít các bà nội trợ vì tiết kiệm được thời gian.
|
Người Thái đã có trong tay 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam. |
Lý giải về nguyên nhân hàng Thái nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, các chuyên gia cho rằng, hàng Thái rẻ hơn hàng Nhật, Hàn Quốc, chất lượng lại ưu việt hơn hàng Trung Quốc và mẫu mã thì đẹp hơn hàng Việt Nam nên đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Không chỉ chất lượng tốt và ổn định, việc ưu đãi giá đến 20% kèm hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến, biển bảng... là cách mà các doanh nghiệp Thái thuyết phục nhiều nhà phân phối Việt Nam.Trong vai một khách hàng có nhu cầu mở cửa hàng bán lẻ hàng Thái Lan, chúng tôi liên hệ với một số doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng Thái trên thị trường. Sau khi nghe thông tin về nhu cầu cũng như diện tích mặt bằng, chúng tôi được anh Đông, nhân viên tư vấn của Trung tâm phân phối hàng Thái Lan Phương Nam tư vấn: “Nếu chị mở cửa hàng chuyên hàng Thái, Công ty sẽ hỗ trợ từ A-Z cho đến khi cửa hàng đi vào hoạt động. Cụ thể, Công ty sẽ hỗ trợ phần mềm tính tiền, bảng biển, phát tờ rơi quảng cáo cho cửa hàng. Đồng thời sẽ cho 2 nhân viên đến phục vụ bán hàng trong 2 ngày khi mới khai trương. Nếu sản phẩm bị làm giả hoặc không bán được, Công ty sẽ nhận lại trong vòng 2 tuần”.Tương tự khi phóng viên liên hệ với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại XNK THT Việt Nam, Công ty này cũng đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ cửa hàng từ cách bày biện cửa hàng đến làm biển bảng, phần mềm tính tiền, phát tờ rơi và cho nhân viên đến tận nơi hướng dẫn cách bán hàng…Ông Lê Phú Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty khẳng định: “Công ty sẽ có trách nhiệm đồng hành cùng cửa hàng, nếu hàng không bán được, Công ty sẽ nhận lại và luân chuyển sang cửa hàng khác. Công ty và cửa hàng không chỉ là đối tác của nhau mà còn là sự song hành, nếu cửa hàng phát triển thì công ty mới phát triển được”.Chiết khấu và vị trí đắc địaĐể chinh phục người Việt, hàng ngoại không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có mức chiết khấu hấp dẫn..., chúng còn được giới thiệu, xuất hiện ở những vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại, siêu thị, nhằm khuếch trương hàng ngoại. Không phải ngẫu nhiên tập đoàn Central Group, TTC của Thái Lan chi hàng triệu USD để mua đứt hệ thống bán lẻ siêu thị Big C, Metro tại Việt Nam bởi các hệ thống siêu thị này đều nằm ở những vị trí đắc địa, thu hút lượng lớn khách hàng tới mua sắm.Tính đến thời điểm hiện tại, người Thái đã có trong tay 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’s Mart có 75 cửa hàng tiện lợi, Big C có 32 siêu thị và Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan. Có được hệ thống bán lẻ trong tay, dĩ nhiên hàng Thái cũng dễ dàng “lọt” vào chuỗi bán lẻ này.Bởi thế cũng không ngạc nhiên khi kim ngạch nhập khẩu hàng Thái vào Việt Nam chỉ xếp sau hàng Trung Quốc. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 8,2 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm trước. Trong quý 1/2016, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan là 1,818 tỷ USD.Nếu Thái Lan phủ rộng hàng của mình vào các đại siêu thị thì người Nhật lại lựa chọn cửa hàng tiện lợi để làm bàn đạp đưa hàng tiêu dùng vào thị trường Việt. Và hiển nhiên vị trí của chuỗi cửa hàng tiện lợi này cũng nằm ở khu vực trung tâm. Không chỉ mở những trung tâm thương mại quy mô lớn, tập đoàn Aeon của Nhật liên tiếp bắt tay với hai hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam là Citimart và Fivimart để tạo ra liên doanh AeonCitimart và AeonFivimart. Nếu nhìn vào chuỗi siêu thị của Citimart và Fivimart trên khắp cả nước, có thể hiểu được nước cờ cao tay của nhà đầu tư này.Theo khảo sát của phóng viên, sau khi các hệ thống bán lẻ Việt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của các công ty Việt khó có cơ hội vào kênh bán lẻ này. Đơn cử ngay tại cổng chính siêu thị Mega Market, khách hàng bắt gặp một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ.Trả lời câu hỏi của phóng viên, “Hàng Việt chiếm bao nhiêu % trong hệ thống phân phối của Mega Market?”, bà Huỳnh Phương Châu, đại diện truyền thông của Mega Market tại Việt Nam khẳng định: “Hiện nay Mega Market đang phân phối hơn 90% hàng Việt Nam tại 19 trung tâm”.Tuy nhiên, trái ngược với thông tin mà bà Châu cung cấp, không ít các doanh nghiệp Việt từng cung cấp hàng cho Metro cho biết, sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. Dù họ không tuyên bố sẽ không lấy hàng của doanh nghiệp Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt. Chính vì vậy, nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần.Một chiêu nữa mà các siêu thị ngoại áp dụng như “rào cản” hàng Việt, ngoài tiêu chí bảo đảm chất lượng hàng hóa, các công ty Việt còn bị thanh toán tiền hàng chậm; trong khi các siêu thị nội chỉ áp chiết khấu ở mức 2 - 5% thì siêu thị ngoại lại phải chiết khấu lên đến 7 - 9%, chi phí tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Việt giảm là điều dễ hiểu. Điều này khiến không ít doanh nghiệp Việt phải tự động rút khỏi hệ thống siêu thị ngoại nếu không muốn rơi vào cảnh thua lỗ.