Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai quản giá thuốc trong bảo hiểm y tế?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp chiều 30/10 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn...

Kinhtedothi - Tại phiên họp chiều 30/10 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến đấu thầu thuốc. Từ nhiều năm nay, giá thuốc luôn là vấn đề nóng tại nghị trường của Quốc hội bởi đây là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm, có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người bệnh.

 

Vấn đề mua thuốc của các cơ sở y tế được quy định tại Mục 3, Chương V của Dự thảo Luật Đấu thầu. Một số ý kiến đề nghị thiết kế riêng một Chương hoặc một Mục quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này; đề nghị có chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các nhà thầu sản xuất thuốc trong nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định một mục riêng về đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế.

 
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Đấu thầu. Ảnh: TTXVN
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Đấu thầu. Ảnh: TTXVN
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với hóa chất và vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, thời gian qua, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp các mặt hàng này vẫn được thực hiện theo quy trình như đối với hàng hóa thông thường, thực tế không phát sinh vấn đề vướng mắc, bức xúc; do vậy không quy định trong Luật những đặc thù riêng cho nội dung này. Tuy nhiên, do đấu thầu cung cấp thuốc có quá trình thực hiện trong thực tế mới khoảng hơn một năm theo hình thức văn bản Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, nên dự án Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về mua thuốc sử dụng vốn Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện đấu thầu mua thuốc theo quy định hiện hành và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trong đó, có lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc (ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định, dự án Luật còn bổ sung quy định về hình thức đàm phán giá), mua thuốc tập trung, ưu đãi trong mua sắm thuốc và thanh toán chi phí mua thuốc cho các cơ sở y tế ngoài công lập.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) đồng tình cao khi dự thảo có thêm quy định về đàm phán giá thuốc nhưng đề nghị cần có thêm quy định về trường hợp đặc thù để tránh tạo kẽ hở trong đấu thầu thuốc. ĐB Nhi lưu ý, Khoản 2, Điều 48 quy định việc mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp T.Ư, khu vực và cấp địa phương, đề nghị bỏ cấp khu vực, tránh tình trạng trùng lắp khi thực hiện. Nếu mua thuốc ở cấp T.Ư, địa phương sẽ dẫn đến tình trạng cùng một mặt hàng thuốc nhưng ở cơ sở thuộc cấp T.Ư và ở cơ sở thuộc cấp địa phương sẽ có giá khác nhau. Nên sửa lại là mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, TP và cơ sở y tế.

Đồng tình với ban soạn thảo khi ban hành song hành hai cơ chế là đấu thầu và đàm phán giá, ĐB Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, đây là một lộ trình  tất yếu trong quá trình thực hiện giá thuốc theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ĐB này lại lo lắng về việc đấu thầu rập khuôn như quy định tại dự thảo. Khi quá trình làm giá, đàm phán giá thuốc không hiệu quả thì đại bộ phận dân cư, những người có thu nhập thấp sẽ đứng trước nguy cơ bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản vì sự khác nhau trong đàm phán giá, làm giá của các cơ sở y tế. ĐB Lan cho rằng, cần hết sức thận trọng trong việc áp dụng cơ chế thị trường để điều tiết chức năng cơ bản như dịch vụ công, dịch vụ y tế.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) băn khoăn, hiện có 1.143 loại thuốc và hóa chất do bảo hiểm y tế chi trả nhưng ai thực sự là người quản chủng loại và giá thuốc trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. "Trong nhiều năm qua, kể cả Bộ Y tế cũng không quản giá thuốc của bảo hiểm y tế, không biết giá thuốc cao hay thấp. Vai trò của cơ quan bảo hiểm như thế nào, hay là cứ lẽo đẽo đi theo rồi kêu ca trên báo chí (?)" - ĐB Tiên đặt câu hỏi. Trong năm 2012, chi trả tiền thuốc của bảo hiểm y tế lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Hiện nay, có hơn 70% người dân có bảo hiểm y tế vậy thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải cùng với Bộ Y tế quản giá thuốc bảo hiểm y tế nhưng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm chính về đấu thầu thuốc trong bảo hiểm y tế. Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần bổ sung quy định về lĩnh vực này. ĐB này cho rằng, chưa bao giờ Bộ Y tế kêu ca về giá thuốc cao quá mà Bộ Y tế và Bộ Tài chính luôn "đá bóng" cho nhau về vấn đề này. 

 
"Đối với loại thuốc có ít nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc đã sử dụng ổn định trong thời gian dài và một số trường hợp đặc thù khác thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc còn được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá; Đối với mua thuốc tập trung, dự án Luật quy định việc mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp T.Ư, cấp khu vực và cấp địa phương. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về mua thuốc tập trung; Đối với thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì phải quy định rõ nhà thầu không được chào các loại thuốc nhập khẩu. Trường hợp các cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu đối với mua thuốc sử dụng vốn Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế chỉ được thanh toán theo đúng mặt hàng và đơn giá thuốc đã trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn".

(Trích Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về Vấn đề mua thuốc của các cơ sở y tế được quy định tại Mục 3, Chương V)