Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai thổi giá đất Đông Anh?

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực ra, tin đồn thổi giá đất Đông Anh (Hà Nội) tăng lên đến 80%, thậm chí 100% không chỉ bắt nguồn từ giới đầu nậu và cò đất trên địa bàn mà ngay trong báo cáo thị trường của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VnRea) mới đây dường như tán đồng cơn sốt đất tại khu vực này, khi khẳng định con số tăng 70%.

Điều đáng nói là thực tế lại ngược với tin đồn và báo cáo.
Hệ lụy của môi giới và báo cáo thị trường
Còn nhớ hồi đầu năm 2011, thị trường BĐS Đông Anh bỗng dưng sốt nóng cao độ, chính sách quy hoạch, phát triển hạ tầng làm “trung tâm Hà Nội 2” nhanh chóng trở thành điểm nóng. Giới đầu tư ồ ạt kéo về lùng săn đất, gián tiếp đẩy mức giá tăng chóng mặt. Dù vậy, 2 năm tiếp theo, dưới quy luật chung của thị trường, giá đất thổ cư Đông Anh tụt dốc tùy từng khu vực. Hiện vẫn còn tồn dư nhiều cảnh "khóc dở mếu dở" của không ít nhà đầu tư ôm đất tại đây, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả mà tài sản lại chưa thể sinh lời.

Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh nhìn từ trên cao.  Ảnh: Phạm Hùng

Ví như ông Võ An Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội), năm 2014 đã đầu tư 3 mảnh đất tại Đông Anh nhưng đến giờ vẫn chưa đẩy đi được mảnh nào. “Lúc đó giá mua vào chỉ tầm khoảng 500 - 700 triệu đồng/mảnh, mấy tháng sau đã lên đến cỡ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Mục tiêu của tôi là kiếm lời từ chuyển nhượng lại khi giá đất tăng cao nhưng được 1 - 2 năm thì giá chựng lại rồi nằm chết dí. Gần đây nghe đâu lại tăng nhưng tôi thấy toàn là thổi giá ảo, đăng bán giá gốc hơn năm nay còn chẳng thấy có người mua. Toàn là tin do môi giới với báo cáo đưa ra, không phải thực tế” - ông Tuấn cho biết.
Có mặt tại xã Vĩnh Ngọc - thủ phủ tăng giá đất vào cuối tuần qua, phóng viên Kinh tế & Đô thị ngỏ ý muốn mua mảnh đất tại mặt đường gom lên cầu Nhật Tân ở thôn Ngọc Chi thì được "cò" Nguyễn Dũng chào giá 190 triệu đồng/m2. Trước thái độ sửng sốt của phóng viên, Dũng cho biết: “Với mức giá đó, hiện tại nhiều văn phòng nhà đất (trong làng) còn không có mà bán. May mắn là em vừa được khách ký gửi nên mới có đất. Đây là cơ hội có một không ai, nên bọn em không giữ chỗ suông. Chị muốn mua phải đặt cọc ngay 20 triệu đồng”.
Đối ngược hoàn toàn thông tin khan hàng mà “cò” Dũng đưa ra, người dân tại khu vực cổng trường cấp 2 Ngọc Chi chia sẻ, nếu muốn mua các mảnh đất gần cầu Nhật Tân thì họ sẽ chỉ chỗ người trong làng đang muốn bán với giá khoảng 80 triệu đồng/m2. Chị Mai Anh (xã Vĩnh Ngọc), nhà gần dự án chung cư Intracom Riverside cũng cho biết: "Gia đình tôi đang muốn bán gấp một mảnh đất gần cầu Nhật Tân - Ngọc Chi, diện tích 105m2, mặt tiền 5m, dài 21m, hướng Đông, đường rộng 4,5m, giá 25 triệu đồng/m2 nhưng chủ yếu vẫn chỉ là khách dò hỏi”.
Theo ghi nhận của phóng viên, còn xảy ra tình trạng "cò" ở Vĩnh Ngọc chê đất Đông Hội khi tư vấn cho khách hàng và ngược lại. "Cò” Đông Hội cho biết, giá đất tại đây đã tăng giá từ 30 - 40% so với đầu năm 2016. Những mảnh đất mặt tiền đường lớn đang được rao bán với giá 35 - 37 triệu đồng/m2. Trong khi đó, “cò” Vĩnh Ngọc quả quyết, chỉ mua đất ở đây may ra có lời, còn các vị trí khác không ăn thua.
Đừng vội tin khi chỉ “nghe nói”
Được biết, sau khi TP Hà Nội chính thức công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài và thông tin hàng loạt đại gia ngành BĐS như Sun Group, Vingroup, BRG, Becamex ITC sẽ đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Đông Anh... thì thị trường đất nền tại đây bắt đầu trở thành điểm nóng. Giới đầu cơ bắt đầu làm mưa làm gió với việc tung chiêu đẩy giá, làm thị trường xôn xao trở lại. Điều đáng nói, sự xôn xao ấy dường như có cơ sở hơn hẳn khi được chính VnRea xác thực trong báo cáo đất Đông Anh “tăng lên 70%”.
Trao đổi về  thông tin giá đất tăng vùn vụt tại địa phương, ông Trần Thế Huy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, đó chỉ là những tin đồn, vì ngay như Vĩnh Ngọc là nơi giá đất nhỉnh hơn so với các khu vực khác trên địa bàn Đông Anh nhưng giá đất vị trí đẹp, mặt tiền cũng chỉ tăng khoảng 10 - 20%. "Bản thân người dân có đất thổ cư rao bán còn ít khách mua. Các văn phòng (hoặc sàn) nhà đất tự gắn mác mọc lên khá nhiều nhưng đa phần đây chỉ là những căn phòng nhỏ, dựng ngay trong nhà dân, hoạt động không đăng ký. Do đó, người mua nhà nên xác minh thông tin nhiều chiều về mảnh mất muốn mua tại khu vực Đông Anh trước khi xuống tiền, đừng vội tin khi chỉ nghe nói, vì từ quy hoạch đến thực tế còn phải mất một thời gian dài nữa. Các dự án quy mô có mặt tại đây cũng không thể một sớm một chiều đi vào hoạt động ngay" - ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, UBND TP Hà Nội từng chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng công trình trong phạm vi ranh giới đồ án quy hoạch nhằm hạn chế mua bán giao dịch lộn xộn, gây ảnh hưởng đến quy hoạch; không để xảy ra tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép; không giới thiệu địa điểm lập dự án đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, cơ chế đầu tư và quy định của pháp luật… đã phần nào triệt tiêu hiện tượng "sốt" đất quanh khu vực Nhật Tân - Nội Bài và các vùng nằm trong đồ án phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng. "Vì thế, thông tin giá đất của địa phương tăng lên đến 80 - 90% là tin đồn thất thiệt. Có bàn tay thao túng của  đầu nậu và cò đất" - ông Huy khẳng định.
Ý kiến chuyên gia
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội:
Cần cụ thể hóa từng giai đoạn thực hiện quy hoạch
Sau quy hoạch định hướng thì chúng ta có kế hoạch phát triển các khu đô thị. Vì vậy, cần thiết nên công khai kế hoạch một cách rộng rãi để Nhân dân nắm được thông tin. Có thể, từ nay đến 5 năm nữa - trong giai đoạn đầu, thì kế hoạch triển khai khu nào trước cần công bố rõ để Nhân dân được biết. Hiện nay, cách thông tin chỉ đơn thuần nêu nguyên lý khu vực này sẽ phát triển bao nhiêu, dân số thế nào…, chứ không công bố chi tiết. Nghĩa là vai trò của thông tin còn mờ nhạt nên vô hình trung đã tạo điều kiện để môi giới, cò đất tung tin đồn và thổi giá cao hơn gấp nhiều lần với giá trị thật, làm hỗn loạn thị trường BĐS. 

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế: Báo cáo thị trường không loại trừ lợi ích riêng
Một trong những yêu cầu quan trọng của thị trường BĐS là tính chính xác của các số liệu thống kê. Yêu cầu này ngày càng trở nên quan trọng vì giá trị của BĐS lớn. Quyết định đưa ra dựa trên một nguồn thông tin, số liệu chính xác có thể giúp cho việc kinh doanh phát triển. Ngược lại sẽ gây thiệt hại khó lường. Mỗi báo cáo số liệu theo quý, theo tháng về tình hình thị trường địa ốc từ các đơn vị tư vấn, tổ chức hiệp hội không loại trừ vì lợi ích của họ hơn là ý thức cung cấp thông tin chính xác cho nhà đầu tư. Do đó, Bộ Xây dựng cần kiểm soát sự nhiễu loạn thông tin BĐS như hiện nay. Hạn chế việc các đơn vị, công ty, DN, tổ chức hiệp hội tự công bố số liệu, giá cả thị trường BĐS. Cần quy về một mối là Bộ Xây dựng, chủ động định kỳ xây dựng các chỉ tiêu thống kê về nhà ở và thị trường BĐS với thông tin, số liệu thống kê về chỉ số lượng nhà ở khởi công, chỉ số lượng nhà ở hoàn thành, giá giao dịch bình quân nhà ở xây mới… để đảm bảo tính nhất quán cho thị trường BĐS nhiều biến động.