Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Airbus A380: Các hãng liên quan nói gì?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trên thực tế, việc máy bay hạ cánh khẩn cấp với một động cơ bị hỏng không phải là trường hợp hiếm trên thế giới và thu hút sự chú ý.

KTĐT - Trên thực tế, việc máy bay hạ cánh khẩn cấp với một động cơ bị hỏng không phải là trường hợp hiếm trên thế giới và thu hút sự chú ý.

Được đánh giá là siêu máy bay hiện đại nhất thế giới, một chiếc Airbus A380 hôm qua đã vỡ từng mảng vỏ trước khi hạ cánh khẩn cấp với một động cơ chết cứng. Đây là lần thứ ba xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với loại máy bay này kể từ khi khai thác năm 2007.





Những mảng vỏ động cơ từ chiếc Airbus A380 của Qantas rơi xuống Indonesia. Ảnh: AFP
Những mảng vỏ động cơ từ chiếc Airbus A380 của Qantas rơi xuống Indonesia. Ảnh: AFP

Chuyến bay nói trên của hãng hàng không Australia Qantas xuất phát từ London đi Sydney chở theo 459 người, quá cảnh tại Singapore. Chỉ 15 phút sau khi máy bay rời Singapore và đang bay trên không phận Indonesia, hành khách đột nhiên nghe thấy một tiếng nổ lớn và nhìn thấy khói cùng những tia lửa bắn ra từ một trong số 4 động cơ máy bay.

Nghiêm trọng hơn, vỏ ngoài của chiếc động cơ gặp sự cố đã bị vỡ và rơi lả tả xuống đảo Batam của Indonesia khiến rộ lên tin đồn máy bay rơi. Sau nhiều lần bay vòng vòng để tiêu bớt nhiên liệu, cuối cùng chiếc Airbus A380 của Qantas cũng hạ cánh an toàn xuống sân bay Changi - Singapore trong sự thở phào của hành khách sau những gì trải qua mà họ mô tả là "như một bộ phim của Hollywood". Ngay sau đó, Qantas quyết định đình chỉ bay toàn bộ 6 chiếc Airbus A380 trong đội bay của mình.

Các sự cố đều liên quan đến động cơ Rolls Royce

Telegraph thống kê được đây là lần thứ ba loại máy bay thương mại lớn nhất thế giới Airbus A380 gặp sự cố khẩn cấp kể từ khi lần đầu được đưa vào khai thác thương mại năm 2007. Điều đáng chú là tất cả những sự cố này đều liên quan đến những chiếc A380 có gắn động cơ Trent 900 tối tân của nhà sản xuất Anh Rolls Royce.

Lần gần đây nhất là tháng 8 vừa qua, một chiếc A380 của hãng hàng không Đức Lufthansa đang bay từ Tokyo tới Frankfurt buộc phải tắt một trong bốn động cơ Trent 900, ngay trước khi hạ cánh vì phi công phát hiện thay đổi áp suất dầu bất thường. Đây là biện pháp đề phòng những thiệt hại nặng hơn đối với động cơ và sau đó chiếc cộng cơ này cũng được thay thế.

Trước đó vào tháng 9 năm ngoái, một chiếc Airbus A380 khác cũng gắn động cơ Trent 900 Rolls Royce của hãng Singapore Airlines đã buộc phải quay lại sân bay Paris sau gần 3 giờ cất cánh vì trục trặc. Một sự cố khác liên quan đến Airbus A380 xảy ra tháng 4 năm nay, khi một chiếc cũng của hãng Qantas bị nổ hai chiếc lốp khi hạ cánh xuống sân bay Sydney, nhưng may mắn không làm ai bị thương.

Trong số 37 chiếc Airbus A380 đang được khai thác có 20 chiếc gắn động cơ Trent 900 của Roll Royce. Số còn lại gắn động cơ của Engine Alliance, một liên doanh giữa GE Aircraft Engines và Pratt & Whitney. Có thể nhận thấy cả ba hãng hàng không lớn là Singapore Airlines, Qantas và Lufthansa đang sử dụng máy bay A380 mang động cơ Rolls Royce đều đã gặp sự cố. Còn số A380 còn lại mang động cơ Engine Alliance đến nay chưa ghi nhận sự cố đặc biệt nào.

Ngay sau sự cố hôm qua liên quan đến chiếc Airbus A380 của Qantas, giá cổ phiếu của Rolls Royce đã sụt giảm mạnh tại thị trường London. Cũng sau sự kiện này, Singapore Airlines cho biết một số chuyến bay sẽ bị trì hoãn trong khi đội bay Airbus A380 của họ được kiểm tra kỹ thuật bổ sung. Trong khi đó, các nhà điều tra đang tới đảo Batam của Indonesia, nằm gần Singapore, để kiểm tra những mảnh vỡ "từ trên trời rơi xuống" của máy bay hãng Qantas.

Trên thực tế, việc máy bay hạ cánh khẩn cấp với một động cơ bị hỏng không phải là trường hợp hiếm trên thế giới và thu hút sự chú ý. Hầu hết các máy bay hiện đại nhiều động cơ đều được thiết kế với khả năng tiếp tục hành trình khi một trong số chúng ngừng hoạt động vì một loạt các nguyên nhân như va phải chim trời. Nhưng việc chiếc máy bay hiện đại như Airbus A380 của Qantas mà bị vỡ vỏ ngoài động cơ và rớt từng mảng lớn xuống đất khi đang bay lại là chuyện khác. Gần như ngay lập tức, tất cả các hãng truyền thông đều dồn dập đưa tin về sự kiện này.

Người dân đảo Batam khiêng mảng vỡ máy bay nhặt được giao nộp cảnh sát Indonesia. Ảnh: AFP
Người dân đảo Batam khiêng mảng vỡ máy bay nhặt được giao nộp cảnh sát Indonesia. Ảnh: AFP

Các hãng liên quan nói gì

Alan Joyce, giám đốc điều hành của hãng hàng không Qantas, nhấn mạnh sau khi chiếc Airbus A380 hạ cánh khẩn cấp xuống Singapore: "Vụ động cơ bị hỏng này chúng tôi chưa từng gặp trước đây. Vì vậy chúng tôi coi nó là rất nghiêm trọng vì là một hỏng hóc lớn liên quan đến động cơ".

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus thì cho biết, những báo cáo ban đầu cho thấy "động cơ đã bị hỏng" khi máy bay cất cánh từ Singapore. "Airbus sẽ hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ cho hãng BEA Pháp và nhà chức trách Australia, những bên sẽ chịu trách nhiệm điều tra sự cố này. Một nhóm chuyên gia của Airbus đã được cử tới Singapore", nhà sản xuất máy bay cho biết thêm trong một tuyên bố.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Rolls Royce nói: "Kể từ khi chiếc máy bay của hãng Qantas gặp sự cố động cơ và quay lại sân bay Changi Singapore, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các nhà chức trách. Trong những vụ việc như thế này, Rolls Royce đã thực hiện tốt việc để thu thập và phân tích thông tin liên quan đến sự kiện nhằm đưa ra các quyết định thích hợp".

"An toàn trong vận hành luôn là ưu tiến số một của chúng tôi. Đội bay đang khai thác loại động cơ Trent 900 có số lượng nhỏ và tương đối mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các khách hàng của mình khi cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Đây mới chỉ là giai đoạn rất sớm của cuộc điều tra nên sẽ không thích hợp khi đưa ra bất cứ kết luận nào".

Chiếc động cơ của Rolls Royce vỡ nham nhở vỏ ngoài sau khi máy bay hạ cánh an toàn. Ảnh: AFP
Chiếc động cơ của Rolls Royce vỡ nham nhở vỏ ngoài sau khi máy bay hãng Qantas hạ cánh an toàn xuống Singapore. Ảnh: AFP

Các thông số về Airbus A380

Airbus A380 là máy bay chở khách lớn nhất trên thế giới hiện nay, có thể chở tối đa 800 hành khách tuỳ theo thiết kế ghế của các hãng khai thác. Thông thường nó được thiết kế để chở xấp xỉ 500 người. Loại phi cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2005 và Singapore Airlines là hãng đầu tiên khai thác thương mại năm 2007 trên chuyến bay từ Singapore tới Sydney.

Kế hoạch giao hàng Airbus A380 cho các hãng hàng không liên tục bị trì hoãn do trục trặc trong quá trình sản xuất. Đặc biệt là năm 2006 khi người ta phát hiện ra rằng hệ thống dây dẫn được chuẩn bị tại Hamburg, Đức khi đưa sang lắp đặt vào chiếc máy bay đang hoàn thiện ở Toulouse, Pháp đã không làm việc do phần mềm không tương thích.

Tính đến tháng 10/2010 đã có 234 đơn đặt hàng loại máy bay chở khách khổng lồ Airbus A380 và hiện có 37 chiếc đang hoạt động khắp thế giới thuộc các hãng hàng không Air France, Emirates, Lufthansa, Singapore Airlines và Qantas .

Mỗi chiếc Airbus A380 gắn 4 động cơ có thể bay liên tục 15.200 km và vẫn có thể hạ cánh an toàn ngay cả khi một trong số bốn động cơ này bị hỏng. Trước khi các bên liên quan đưa ra kết luận cuối cùng về sự cố động cơ trên chiếc Airbus A380 của Qantas hôm qua, đây vẫn là loại máy bay mới và hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Sự ra đời của nó cũng được đánh giá là một cuộc cách mạng về công nghệ trong ngành sản xuất máy bay.