Lực lượng cứu hộ thực hiện công tác cấp cứu cho nạn nhân vụ tấn công khủng bố gần tòa nhà Quốc hội hôm 22/3. |
Vụ tấn công xảy ra giữa lúc châu Âu đang trong tình trạng báo động sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Nước Bỉ vừa đánh dấu một năm xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến 32 người thiệt mạng, hơn 320 người bị thương ở Thủ đô Brussels. Trong bài phát biểu ngay sau khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng gần tòa nhà Quốc hội ở London, Thủ tướng Anh khẳng định “bất cứ âm mưu nào nhằm đánh bại những giá trị đó bằng bạo lực và khủng bố cũng sẽ thất bại”.
Đến nay, vẫn chưa có nhóm khủng bố nào đứng ra chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, song các nhà phân tích nhận định, đây có thể là một kế hoạch của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bởi, các chiến binh IS tại Syria đang phải chịu áp lực mạnh mẽ từ lực lượng quân đội Iraq, mà trong đó có phần hỗ trợ từ Chính phủ Anh. Những kẻ trung thành với IS đã ăn mừng và tuyên bố, đây là hành động “trả thù” các cuộc không kích của Anh để tiêu diệt tổ chức khủng bố này tại Syria và Iraq. Ngay sau vụ việc, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an ninh. Ngày 23/3, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, nước này sẽ tăng cường an ninh xung quanh trụ sở Quốc hội và khẳng định vụ tấn công ở Thủ đô London của Anh đã củng cố những quan ngại về những mối đe dọa an ninh mà Australia đang phải đối mặt.
Qua vụ tấn công ở gần tòa nhà Quốc hội Anh càng cho thấy, các đối tượng khủng bố gần như đã chuyển hướng sang kiểu tấn công tự phát với phương thức đơn giản, không tốn kém, dễ thực hiện và quan trọng là khó ngăn chặn. Cả châu Âu gần như đang phải “quay cuồng” trước những cuộc tấn công bởi những “con sói đơn độc”. Những đối tượng khủng bố ngày càng tinh vi khi áp dụng chiến thuật “tinh giảm” lực lượng và hạn chế sử dụng vũ khí ít nhất có thể. Phương thức này giúp các tổ chức khủng bố “tiết kiệm” được lực lượng chiến binh cũng như gây cản trở và dễ dàng “qua mắt” cơ quan an ninh. Các vụ tấn công ngày nay thường diễn ra bất ngờ, và không thể đoán trước hay tìm cách ngăn chặn, bởi đối tượng khủng bố thường sử dụng “vũ khí” thô sơ nhất bao gồm súng ngắn, dao hay phương tiện giao thông.
Việc tăng cường an ninh một cách nghiêm ngặt và sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân buộc các đối tượng khủng bố phải lựa chọn phương thức tấn công mới. Vụ tấn công gần tòa nhà Quốc hội Anh càng khẳng định rõ sự khó khăn của chính quyền phương Tây trong việc bảo vệ các mục tiêu “mềm” cũng như sự cân bằng giữa vấn đề an ninh và tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, nếu không thể giải quyết vấn đề này, bóng ma chủ nghĩa khủng bố và cực đoan vẫn tiếp tục đeo bám, nhất là trong bối cảnh năm 2017, Liên minh châu Âu diễn ra một loạt cuộc bầu cử quan trọng được dự báo sẽ mang lại những thay đổi lớn đối với Lục địa già.