KTĐT - Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, nhớ lại một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trong họ vẫn nguyên vẹn những ký ức về một thời đạn bom.
Khi trở về với cuộc sống đời thường, họ lại có dịp cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng ngân lên những vần thơ, tiếng hát. Và, gần 2.000 hội viên ấy đang cùng nhau sinh hoạt tại Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Khúc dạo đầu
Vào một ngày cuối tháng 4, trong không khí cả nước có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30/4, chúng tôi có dịp gặp gỡ, lắng nghe tâm tình của những người lính "không sao, không vạch", những cựu TNXP quận Đống Đa. Bác Hoàng Văn Đa, Chủ tịch Hội cựu TNXP quận nắm tay tôi thật chặt, giới thiệu với những đồng đội của mình: "Lâu lắm rồi mới có một nhà báo đến thăm". Phải, tôi chợt lóe lên trong suy nghĩ, rằng mình thật có lỗi. Có thể tôi đã đi khắp miền Nam, Bắc, đã tác nghiệp nhiều nơi, nhưng, ngay giữa Thủ đô, trong góc phố nhỏ yên bình này, có biết bao điều để lắng nghe, muốn chia sẻ, và dù chỉ là một lời động viên thôi, cũng làm ấm lòng những ngườiđã hy sinh cả tuổi xuân để bảo vệ Tổ quốc. "Tôi là lính chống Pháp/ Anh là lính chống Mỹ/ Đã đem hết tuổi xanh/ Hiến dâng cho đất nước", ai đó chợt đọc mấy câu thơ của đồng đội và giới thiệu: "Thơ của bác Vũ Định, phường Hàng Bột đấy, bác Định là một trong gần hai nghìn thành viên của Hội". Thì ra, tất cả mọi tâm tư, tình cảm, nghĩa tình đồng đội đều được họ thể hiện qua những vần thơ, tiếng hát. Và đây là thơ của bác Kiều Thị Nga, sinh hoạt cùng phường với bác Định: "Bốn mốt năm xa cách/ Nay mới được gặp nhau/ Nhìn bạn trước người sau/ Mái đầu xanh điểm bạc/…Qua rồi thời con gái/Nay đã lên ông bà/ Chỉ thương bạn của ta/ Đơn côi vì chất độc…"
Cùng nhau vượt khó
Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, bác Đa, Chủ tịch Hội giới thiệu, Hội mới thành lập 6 năm. Tuy "sinh sau, đẻ muộn" nhưng từ đó đến nay, Hội cựu TNXP quận Đống Đa đã phát huy vai trò tích cực, quan trọng, đóng góp vào các hoạt động xây dựng Hội, xây dựng Đảng, chính quyền. Đây cũng là nơi tập hợp hội viên là những cựu TNXP một thời chiến đấu trên các mặt trận ác liệt lửa bom, tham gia mặt trận xây dựng kinh tế mới. Từ 997 hội viên ban đầu, nay đã lên đến 1.656 hội viên, trong đó có 962 nữ. Nói về những hoạt động của Hội, bác Đa cho biết, với tinh thần đồng đội, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống thường ngày như thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn, ngày lễ, tết, mừng thọ... Bên cạnh đó, Hội thiết thực giúp đỡcựu TNXP vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, trong những năm qua, nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các cấp, các ngành giúp đỡ như khám chữa bệnh miễn phí, xóa nhà dột nát, tặng sổ tiết kiệm. Tổ chức Hội ra đời còn gánh vác một trọng trách là làm nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết tồn đọng về chế độ, chính sách cho cựu TNXP. Trong năm qua, Hội dã phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chính sách cho 2 liệt sĩ, 30 gia đình liệt sĩ, 127 thương binh, 10 nạn nhân chất độc da cam, 11 người tàn tật… Đây đã, đang và sẽ tiếp tục là phần việc được tổ chức Hội đặc biệt quan tâm và nỗ lực hết sức mình. "Ngoài việc tổ chức giao lưu, sinh hoạt, giúp đỡ nhau thì những thành viên của Hội còn trực tiếp tham gia nhiều việc "nóng", phức tạp như giải phóng mặt bằng, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, tình nguyện viên y tế..", bác Đa nhấn mạnh.
Tri ân đồng đội
Với những cựu TNXP, suốt đời họ không thể quên những tháng ngày hăng hái xung phong ngoài mặt trận, đối mặt với bom đạn của kẻ thù. Những địa danh như ngã ba Đồng Lộc, Đường 9 Nam Lào và trên suốt dọc chiều dài của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, ở đâu hình ảnh các TNXP cũng luôn tỏa sáng, sẵn sàng đối mặt với muôn vàn hiểm nguy.
Bởi với họ, giải phóng miền
Còn đó những nỗi đau, trăn trở
Sau những năm tháng phục vụ kháng chiến, có cựu TNXP trở thành công nhân làm việc ở những công trường, xí nghiệp để tiếp tục góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Có người mang trên mình những thương tật do chiến tranh gây ra với những cơn đau vật vả hoặc trí nhớ không còn được minh mẫn. Cũng có người phải vật lộn với cuộc mưu sinh và nỗi đau vì những đứa con tật nguyền do di chứng chất độc da cam dioxin… Chia sẻ những suy nghĩ này, Cựu TNXP Phạm Văn Thuấn, Trưởng ban chính sách của Hội tâm sự, điều ông luôn trăn trở là làm sao giải quyết được chế độ chính sách cho những người đồng đội chưa được giải quyết chế độ do thất lạc hoặc mất mát giấy tờ trong chiến tranh. Bác Thuấn cho biết thêm, ngoài việc nhiều người chưa được giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng, thì trong số hội viên của quận, còn rất nhiều hoàn cảnh éo le. Điển hình là vợ chồng bác Lê Đình Sang, Phạm Thị Kê (phường Thổ Quan), cả hai đều là TNXP hiện đang sống trong ngôi nhà sập sệ, tứ bề rách nát, vợ chồng họ không có điều kiện để sửa sang. Bởi bản thân họ đau ốm, bệnh tật triền miên, cuộc sống cơ cực, ăn bữa trước, lo bữa sau, lại phải nuôi 2 con tật nguyền, không có khả năng lao động. Trường hợp này đã được Hội làm đơn kêu gọi các chính quyền, đoàn thể giúp đỡ nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhiều nữ TNXP ngày ấy cống hiến tuổi xuân và xương máu cho quê hương nên lỗi hẹn với hạnh phúc của riêng mình. Sinh hoạt tại Hội, có 30 người đơn côi, lẻ bóng như thế, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Làm sao để giúp họ thêm niềm vui, bớt nổi buồn, san sẻ khó khăn ở tuổi xế chiều ?
Dưới mái nhà chung
Trong buổi giao lưu hôm ấy, những câu chuyện thời chiến tranh, những kỷ niệm vui buồn khi cùng đơn vị đi mở đường đã được những cựu TNXP nhắc lại cho nhau nghe, những giọt nước mắt dâng trào xen lẫn với tiếng cười, niềm vui khi giờ đây họ lại được sinh hoạt cùng nhau. Họ đã cùng hát cho nhau nghe nhiều bài ca không thể nào quên, những bài ca một thời họ đã hát để át tiếng bom, hát dưới mưa rơi, bão đạn. Những bài hát "Cô gái mở đường", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây", "Đêm Trường Sơn nhớ Bác"... đã vang lên như kéo thời gian lùi lại mấy chục năm về trước. Nghĩa tình đồng đội thiêng liêng được thể hiện trong chiến đấu ác liệt, ngày nay, tình cảm cao đẹp ấy đang được quận hội, hội phường và các chi hội, hội viên của quận Đống Đa phát huy tỏa sáng trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Nghĩ đến điều này, tôi chợt nhớ đến những vần thơ của bác Nguyễn Xuân Thập, phường Kim Liên, một thành viên của Hội: "Những người lính còn sống/ Nay có dịp gặp nhau/ Mừng đến rơi nước mắt/ Cười để dịu nỗi đau".