Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấm áp những sẻ chia mùa dịch bệnh

Hà Thư - Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nỗi lo của vấn đề dịch bệnh đang lan rộng, người Việt lại thấy ngọn lửa tình người được nhen lên, sưởi ấm tất cả mọi người xung quanh mình. Đó là ngọn lửa của sự sẻ chia, của ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Chuyến bay chở tình yêu
Những ngày đầu tháng 3/2020, hàng loạt chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, chở những người con đất Việt làm ăn ở Trung Quốc, Hàn Quốc về trở về tránh dịch. Trong đó có một chuyến bay đặc biệt, chở một em bé khoảng 2 - 3 tháng tuổi từ Hàn Quốc về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh, Việt Nam) mà không có bố mẹ đi cùng. Khoan hãy bàn về những thủ tục pháp lý để em bé có thể trở về Việt Nam.
Bởi đó là câu chuyện dài của những người bố, người mẹ vì điều kiện bất đắc dĩ chưa thể cùng về nên đã lo lắng, tìm người hỗ trợ, tất nhiên là đúng quy trình để đứa trẻ được gửi gắm cho người thân đưa về Việt Nam. Thiên thần nhỏ trở về quê hương qua sự chăm sóc của một người phụ nữ, và tổ bay cũng không quên bố trí đội ngũ bác sĩ để chăm sóc y tế đề phòng chuyện bất trắc xảy ra không chỉ cho em bé mà cả cho các hành khách và các thành viên phi hành đoàn.
 Tiếp tế thực phẩm cho người dân bị cách ly tại phố Trúc Bạch, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Sự ấm áp trong tình người không chỉ dành cho các công dân nhỏ tuổi, mà cả hàng nghìn người là du học sinh, là lao động xuất khẩu mang quốc tịch Việt Nam được Chính phủ bảo hộ trở về theo nhu cầu. Ngày 25/2, đón 752 thành viên, là các công dân Việt Nam và Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện công việc cách ly tập trung tại sân bay Nội Bài không phải là bố mẹ, người thân mà là những cán bộ chiến sĩ bộ đội, đội ngũ y tá, bác sĩ.
Họ mặc quần áo bảo hộ, khiến thành viên đoàn không kịp nhận mặt. Nhưng qua ánh mắt, cử chỉ lại là sự quan tâm, chăm sóc dành cho đoàn. Dời sân bay, đón tiếp 752 thành viên về khu cách ly tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô là 100 cán bộ, chiến sĩ - những người tham gia công tác chăm sóc, phục vụ, chăm sóc y tế trong suốt 14 ngày cách ly.
Hầu hết công dân Việt thực hiện cách ly tại trường là các bạn trẻ, du học sinh Việt ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi. Theo lời của những thành viên tham gia cách li, trong quá trình sinh hoạt tại trường, ai cũng xúc động trước sự chăm sóc nhiệt tình, sự động viên của các chú bộ đội.
Những buổi trưa nắng nóng, các chú, các anh vẫn nhiệt tình bê cơm nước cho người dân đúng giờ, không sót một bữa nào. Vốn là người kiệm lời, nhưng cảm xúc lưu giữ mãi trong những ngày cách ly đối với, du học sinh Lê Thị Quỳnh (quê ở Bắc Giang) quyết định từ Teku về Việt Nam bởi một ý nghĩ duy nhất: “Mỗi khi gặp khó khăn, Việt Nam là nơi giang tay đón về”.
Tinh thần lạc quan của người nổi tiếng
Thời gian qua, những lời khen ngợi cho tinh thần tích cực trong cách ly, dư luận dành cho Châu Bùi. Từ trước, cô được giới trẻ yêu mến vì ngoại hình xinh đẹp và phong cách thời trang cá tính, sành điệu. Châu Bùi cũng là gương mặt Việt quen thuộc tại các tuần lễ thời trang quốc tế như Seoul, Milan, Paris... và hợp tác với các hãng thời trang hàng đầu thế giới. Cô từng đoạt giải Biểu tượng thời trang có ảnh hưởng trên toàn châu Á tại giải thưởng Influence Asia 2017.
Thế nhưng, hôm 5/3, trở về TP Hồ Chí Minh từ Tuần lễ thời trang Milan và Paris, Châu Bùi đã tự nguyện khai báo đi qua điểm dịch. Cô được kiểm tra y tế và đưa thẳng đi cách ly tập trung phòng Covid - 19. Sau gần 10 ngày, cô vẫn rất vui vẻ, lạc quan và tận dụng thời gian cách ly theo cách tích cực nhất.
“Từ trước đến nay tôi vẫn luôn tâm niệm nếu mình được khán giả quan tâm, theo dõi thì đó là một may mắn. Sự tin tưởng đó là trách nhiệm mình cần gánh vác. Khi việc làm của mình ảnh hưởng tới một bộ phận giới trẻ, “tinh thần cộng đồng” luôn được tôi đặt lên trên hết’ - Châu Bùi tâm sự.
Trong khi đó, khác với Châu Bùi thì không ít nghệ sĩ khác cũng tham dự sự kiện tuần lễ thời trang này đã trốn tránh cách ly, khiến Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh phải đứng lên kêu gọi các nghệ sĩ tự giác khai báo và thực hiện cách ly. Thế nhưng không mấy người chấp hành quy định cách ly, có lẽ vì họ sợ phòng cách ly không có điều hòa, điều kiện sinh hoạt không tiện như ở ngoài...
Ngược lại, với Châu Bùi, qua trải nghiệm cách ly, cô thấy mình mạnh mẽ, bình tĩnh và nhìn sự việc ở góc độ lạc quan. “Nếu so sánh nơi cách ly với ở nhà, so sánh với những điều kiện sống cao bên ngoài để rồi nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, chắc chắn mọi thứ sẽ rất khó khăn. Nếu ai cũng vậy, Nhà nước sẽ gặp rất nhiều áp lực trong phòng chống dịch bệnh. Mọi người nên nghĩ theo chiều hướng tốt, mọi chuyện sẽ tốt dần lên.
Ví dụ, ở nhà tôi quen giặt máy, ở đây tôi tự giặt tay hằng ngày. Tôi không hề mệt mỏi mà thấy thật vui vì cảm giác trở về tuổi thơ. Ở ngoài phải tự kiếm đồ ăn, vào đây được ăn cơm hộp ngày 3 bữa, có các anh bộ đội mang tới tận nơi. Tôi thấy ấm áp và thương các anh vô cùng. Mình được phục vụ tận nơi, cớ chi còn phàn nàn? Có rất nhiều kỹ năng mềm cho tôi học hỏi từ mọi người. Tôi có thêm trải nghiệm sống và trở nên năng động hơn” - Châu Bùi bày tỏ.
Trách nhiệm không của riêng ai
Giờ đây, khi số lượng bệnh nhân mắc Covid -19 đang ngày càng tăng, số người thực hiện cách ly lên đến hàng chục nghìn, câu chuyện phòng dịch không còn của một cá nhân, hay một đơn vị mà cả cộng đồng. Khi "bệnh nhân 17" xuất hiện, trở thành ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, một loạt hàng quán ở Hà Nội đã đóng cửa để đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng, giảm tránh việc tập trung đông người.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 10/3, Ngon Garden (70 Nguyễn Du), Quán ăn ngon (18 Phan Bội Châu, 25T2 Hoàng Đạo Thúy), Món ngon Sài Thành (8 Dã Tượng, 59A Huỳnh Thúc Kháng), hay các quán ăn, quán cà phê ở ngõ Tạm Thương, phố Tây Sơn… cũng tạm đóng cửa dừng phục vụ khách, để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid -19.
“Tạm đóng cửa, chúng tôi có thể bị thiệt hại lớn cho DN chúng tôi. Bởi vì, nếu duy trì mở cửa, chúng tôi vẫn có nguồn thu để chi trả tiền mặt bằng, tiền nhân công. Tuy nhiên, vì sức khỏe của khách hàng, của nhân viên nhà hàng chúng tôi vẫn quyết định tạm dừng phục vụ khách hàng, chờ tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tái mở cửa” - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng Thịnh, chủ nhà hàng Ngon Garden Phạm Thị Bích Hạnh cho biết. Bà Hạnh chia sẻ thêm, động thái này nhằm tăng cường những khuyến cáo của T.Ư và TP về bảo đảm sức khỏe, an toàn cho khách hàng cũng như cán bộ, nhân viên trong giai đoạn dịch Covid -19 có diễn biến mới.
Đại diện Phúc Hưng Thịnh cho biết đã tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu kinh doanh dài hạn, thiệt hại trong ngắn hạn và trách nhiệm xã hội của DN về việc chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng. "Đây là một quyết định khó khăn, nhưng đáng để làm. Tập thể cán bộ công nhân viên của công ty tin tưởng rằng cuộc sống và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ sớm trở lại nhịp độ bình thường như cũ. Cùng chung tay, chúng ta sẽ chiến thắng trận dịch này" - bà Hạnh bày tỏ quyết tâm.
Ở Đà Nẵng, các DN đã kêu gọi huy động quyên góp với tên gọi “Vì một TP đáng sống”. Trang cá nhân của ông Phạm Thanh - chủ một DN của Đà Nẵng đã đăng dòng trạng thái: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, mức độ lây lan nhanh khủng khiếp. Dịch bệnh là điều không ai muốn, qua cơn hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, các bạn hãy nghĩ mình là công dân TP đáng sống này, mình yêu TP này xin hãy đóng góp nhẹ nhàng như “cho đời chút ơn”.
Ông Thanh dự đoán, qua sàng lọc, rất có thể số người cách ly ngày một tăng; đó là chưa kể một lượng lớn người từ nước ngoài về cần được cách ly an toàn. Dập dịch là để cứu người, ông Thanh thiết nghĩ cần có một quỹ để hỗ trợ cho các cơ sở y tế, trung tâm cách ly tại TP Đà Nẵng. Ông Thanh tha thiết kêu gọi anh chị em DN và doanh nhân Đà Nẵng, cùng các mạnh thường quân trong và ngoài nước hãy đóng góp tấm lòng xây dựng Quỹ “Vì một TP đáng sống”.
Sau khi đăng tải chừng 1 giờ, status của ông Thanh nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận hưởng ứng của cộng đồng người Đà Nẵng nói riêng và bằng hữu gần xa nói chung. Tài khoản Hung Phan tha thiết: “Vì TP thân yêu, mọi người cùng tham gia nhé”. Cũng ngay sau lời kêu gọi, ông Thanh cho biết, bạn bè, thân tín, những đối tác tin cậy, bạn đồng hành trong các hoạt động thiện nguyện của ông đã liên tục kết nối và chuyển tiền ủng hộ về quỹ, con số hỗ trợ thực tế đến tối nay đã lên hơn 190 triệu đồng.
“Trước mắt sẽ hỗ trợ cho các đầu mối đang ở tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Bộ Công an, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trung tâm cách ly người trở về từ vùng dịch Đồng Nghệ, Hòa Vang… Ngoài ra có thể giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn vì lịch sử tiếp xúc phải thực hiện cách ly trong mùa dịch Covid -19 này” - ông Thanh chia sẻ.
Sự lan tỏa của những hành động đẹp, những nghĩa cử vì mọi người chắc chắn sẽ còn nối dài trong những ngày tới. Đó cũng là cách để cùng nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh một cách dễ dàng nhất.

Sự lan tỏa của những hành động đẹp, những nghĩa cử vì mọi người chắc chắn sẽ còn nối dài trong những ngày tới. Đó cũng là cách để cùng nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh một cách dễ dàng nhất.


Cảm động lắm những việc làm tử tế

"Trong lúc khó khăn lại càng thấy được nhiều hình ảnh ấm áp. Đó là khi những ngày đầu khẩu trang được khuyến cáo sử dụng để phòng bệnh trở nên khan hiếm, trong lúc không ít nhà thuốc, cửa hàng nâng giá, thì nhiều cá nhân, tổ chức đã phát miễn phí cho người dân. Cảm động hơn, trong số đó có cả những em nhỏ dành số tiền mừng tuổi ít ỏi để góp vào. Có DN sẵn sàng nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp miễn phí. Những hành động đó không gì khác là trách nhiệm, là tình cảm, là sự sẻ chia với cộng đồng. Tôi thấy cảm động lắm vì những việc làm tử tế như thế." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức


Tinh thần đoàn kết sẽ đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình an

"Tế bào ung thư sợ nhất tình yêu. Tất cả các loại dịch bệnh sợ nhất những người có ý thức bảo vệ mình và đồng loại. "Chống dịch như chống giặc", cho nên con virus chắc chắn sợ nhất sự tỉnh táo và đoàn kết của một dân tộc, một đất nước. Đừng vô tình biến mình thành đồng minh thân cận của virus, của dịch bệnh, của vô cảm, của ích kỷ, của vô minh. Nếu mỗi người thấu triệt được điều ấy, không những dịch bệnh được đẩy lùi, mà đất nước cũng sẽ tiến lên một cách mạnh mẽ mà bình an!" - Nhà báo Bùi Hải (Nhật Vũ ghi)