3 cường quốc đụng độ
Suốt 4 tháng qua, giá dầu thô thế giới lao dốc hơn 50% do cung vượt quá cầu, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khiến các nền kinh tế phải đóng cửa. Trữ lượng dầu thô tại Mỹ đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 vào giữa tháng 4, trong khi các giếng dầu của Nga, Ả Rập Saudi và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác vẫn “bật vòi” đều đặn, thậm chí còn gia tăng công suất để trả đũa nhau trong cuộc chiến giá dầu từ đầu tháng 3. Trước khi thỏa thuận hôm 12/4 giữa Nga và Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có hiệu lực, công ty dầu khí quốc gia Saudi là Aramco đã thông báo tăng khai thác lên 12,3 triệu thùng/ngày, sau khi Nga tuyên bố sẵn sàng thêm 500.000 thùng/ngày. Nhà Trắng thì khẳng định không can thiệp vào thị trường dầu của tư nhân.
Cuộc đụng độ giữa 3 cường quốc xuất khẩu dầu mỏ Mỹ - Nga - Ả Rập Saudi đã khiến giá dầu chạm đáy, không đủ bù chi phí tại các giếng dầu, bất kể là với công nghệ khai thác dầu từ đá phiến ở Mỹ hay khoan hút truyền thống như ở Nga, Ả Rập Saudi. Điểm hòa vốn của một thùng dầu Brent khai thác ở Saudi là 83,6 USD, ở Mỹ là 44 USD, còn Nga là xấp xỉ 42 USD, khiến tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hàng loạt công ty sản xuất dầu mỏ phá sản, đặc biệt là tại Mỹ. Tuy nhiên ít ai ngờ, nguồn cơn của cuộc suy thoái dường như lại bắt đầu từ chính người Mỹ, với lựa chọn khác biệt đã đưa nước này lên đỉnh cao sản xuất dầu thô thời gian qua.
Mỹ tự lập và… tự chơi
Trong nhiều năm, thế giới đã quen với các giếng khoan hút dầu thô từ lòng đất. Những quốc gia có sản lượng dầu thô cao nhất thường nằm ở khu vực chứa các túi dầu dễ khai thác và trữ lượng dồi dào, là lý do giúp Nga và các quốc gia OPEC luôn “thống trị”. Kể từ năm 2016, với tư cách là lãnh đạo không chính thức của nhóm 9 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không thuộc OPEC, Nga giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá dầu, tương tự Ả Rập Saudi - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của OPEC, để tạo nên một liên minh bình ổn OPEC+.
Trong khi đó, với trữ lượng dầu nhỏ chỉ hơn 100 tỷ thùng, Mỹ không thể đọ sức trực tiếp về sản lượng dầu thô, thậm chí nhiều lần chịu áp lực bởi “quân bài mặc cả” từ các quốc gia dầu mỏ. Nhận thấy nhược điểm của sự phụ thuộc năng lượng, Mỹ đã chuẩn bị cho sự thay đổi lớn từ năm 1975, khi tạo ra Kho Dự trữ dầu chiến lược, đồng thời ra lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đầu tư nghiên cứu công nghệ để đẩy mạnh khai thác dầu từ nguồn đá phiến dồi dào sẵn có.
Với việc phát triển kỹ thuật nứt vỡ thủy lực, Mỹ đã tạo nên cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp dầu đá phiến vào đầu thế kỷ XXI, giúp việc khai thác loại dầu này trở nên dễ dàng, cùng chi phí và thời gian ngắn hơn. Kết quả, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ tăng từ 5% năm 2003 lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này năm 2015, đưa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Năm 2015, Quốc hội Mỹ cũng chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.
Năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ, giúp nước này có thời điểm đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tại cuộc gặp cuối năm với các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Pittsburgh, Tổng thống Donald Trump tự tin tuyên bố nước Mỹ dưới thời ông cam kết không chỉ độc lập về năng lượng mà còn “thống trị ngành năng lượng thế giới”. Tuy nhiên, sự thống trị này của Mỹ dường như một phần là bởi nước này không chịu bất cứ ràng buộc nào về sản lượng, như những gì các nước OPEC+ đang quy định với nhau.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ được hưởng lợi từ giá dầu thế giới và luôn sẵn sàng lấp khoảng trống thị trường mà Nga và Ả Rập Saudi chịu cắt giảm. Việc “tự chơi” theo cách riêng của Mỹ càng gây khó chịu khi chính quyền Tổng thống Trump thường sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị và kinh tế đối với các nước.
Giá trị của thỏa thuận lịch sử
Làm rõ vai trò thiếu hụt của một “đại gia” dầu thô như Mỹ trong việc bình ổn thị trường trước nay, ý nghĩa thật sự của thỏa thuận OPEC+ đạt được hôm 12/4 dần sáng tỏ. Theo thỏa thuận cuối cùng, nhóm OPEC+ nhất trí mức cắt giảm sản lượng chưa từng có (9,7 triệu thùng/ngày) từ đầu tháng 5 đến tháng 6/2020 để cân bằng cung cầu dầu mỏ. Mức giảm sẽ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm, sau đó giảm tiếp 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022. Thế nhưng để có được mức giảm mới của OPEC+, điều kiện đi kèm là một số nước sản xuất dầu khác, bao gồm cả Mỹ, cũng sẽ cắt giảm sản lượng để cùng OPEC+ đạt được mức giảm khoảng 20 triệu thùng/ngày - tương đương 20% nhu cầu toàn cầu trước đại dịch Covid-19.
Từ chuyện nội bộ OPEC+, thỏa thuận sau đó được làm rõ là kết quả của hơn một tháng vận động trung gian bởi Tổng thống Trump, thông qua điện đàm cho cả Tổng thống Nga, Thái tử Ả Rập, Tổng thống Mexico và nhóm G20. Moscow - Riyadh vốn là các bên tưởng phải chịu lùi bước từ thỏa thuận, thì nay được đánh giá đã "thắng" khi buộc Mỹ chia sẻ trách nhiệm cho một giá dầu thấp nơi thị trường thế giới.
Tuy nhiên, đối với thị trường dầu điêu đứng lúc này, thỏa thuận lịch sử của OPEC+ không mang lại nhiều ý nghĩa như kỳ vọng. Con số giảm gần 10 triệu thùng/ngày với Ả Rập Saudi thực chất chỉ là đưa về mức trước cuộc chiến giá, sau khi nước này đã tăng tối đa công suất, trong khi đối với Nga và khoảng 2 triệu thùng/ngày với Mỹ là lượng dầu không thể bán trong mùa dịch. Economic Times tính toán, do thỏa thuận có hiệu lực kể từ tháng 5 không ngăn được dòng dầu đã bán đi trước đó, lượng dầu dư thừa năm nay vẫn sẽ tăng thêm khoảng 730 triệu thùng. Caroline Bain - chuyên gia hàng hóa của Capital Economics nhận định: “Thị trường năng lượng sẽ ổn định hơn trong nửa cuối năm nay nếu các nước sớm khôi phục hoạt động kinh tế và sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm đáng kể”.
Giới phân tích trên The National cho rằng, quỹ đạo giá dầu lúc này phụ thuộc vào khả năng mở cửa trở lại và tốc độ phục hồi của các nền kinh tế, đồng thời dự báo đà giảm từ 5 - 10 USD. Thực tế thậm chí đã diễn ra nghiệt ngã hơn nhiều, khi phiên giao dịch ngày 20/4 trở thành cột mốc lịch sử, chứng kiến giá dầu thô WTI trên sàn New York giảm về mức âm 40,32 USD/thùng - biên độ giảm tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ bắt đầu giao dịch.
Từ đây, các chuyên gia tin rằng không ngạc nhiên nếu ngọn lửa âm ỉ nơi cuộc chiến dành thị phần sẽ “bùng cháy” trở lại một khi những lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, thúc đẩy nhu cầu dầu tăng. Sự khốc liệt thể hiện ở việc các sản phẩm dầu thô như Arab Light của Saudi, Urals của Nga hay Mars của Mỹ đều đang được đua nhau chào mời với nhiều ưu đãi đặc biệt cho khách hàng châu Á - thị trường được kỳ vọng sẽ hồi phục sớm hơn cả.
Cuộc chiến giá dầu đang thúc đẩy thương nhân xuất khẩu một phần dầu thô chưa bán được đến châu Á… cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn còn nguy cơ mất kiểm soát nghiêm trọng. Chiến lược gia tại Deutsche Bank AG Michael Hsuel |