Kinhtedothi - Ngày 5/10, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định lấy tên "Hành động phía Đông" thay cho "Chính sách hướng Đông" - một chính sách đối ngoại quan trọng được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ XX dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, nhằm củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
|
Được bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước, chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ được cho là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị của nước này với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó khu vực Đông Nam Á với vai trò tích cực và trung tâm của Hiệp hội ASEAN, giữ vị trí cốt lõi. Sau hai thập kỷ hướng Đông và cũng là hai thập kỷ thiết lập quan hệ với ASEAN, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN đã phát triển với tốc độ nhanh chóng từ quan hệ đối thoại theo ngành sang đối thoại toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược. Trên thực tế, Ấn Độ đã tiến đến quan hệ gần gũi hơn với các nước ASEAN bằng cách ký kết các hiệp định về thiết lập khu vực mậu dịch tự do về hàng hóa, dịch vụ và đang hướng tới Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEPD). Đây được coi là bước đi khôn ngoan của chính phủ Ấn Độ trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng của ASEAN cũng như tận dụng nguồn lực của Singapore để xây dựng thành phố thông minh…
Mặc dù mối liên kết của Ấn Độ với Đông Nam Á có những tiến bộ trong chính sách hướng Đông kể từ năm 1991, nhưng quan hệ hai bên vẫn đang ở xa mức tiềm năng đầy đủ. Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được quan tâm nhiều hơn kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 5. Tại cuộc họp của Ấn Độ - ASEAN hồi tháng 6, Ngoại trưởng Sushma Swaraj tập trung phát biểu về "kết nối", câu thần chú trong chính sách ngoại giao khu vực của ông Modi, đề cập đến một loạt các dự án cơ sở hạ tầng để tăng tốc độ hội nhập châu Á. Tuy nhiên, Đông Nam Á - với ngoại lệ Myanmar - vẫn vắng mặt trong các báo cáo chính sách đối ngoại của ông Modi, mà chủ yếu tập trung vào các quốc gia Nam Á láng giềng và các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Modi cũng chưa đến thăm quốc gia Đông Nam Á nào. Vì thế, sự thay đổi về tên gọi của “Chính sách hướng Đông” thành “hành động hướng Đông” trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Narendra Modi với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/9 vừa qua được coi là một bước đi nhằm khẳng định quyết tâm thực hiện chính sách thiết lập và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ thúc đẩy quan hệ với toàn khối ASEAN, để triển khai hiệu quả chính sách hướng Đông, Ấn Độ cần thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên của ASEAN, trong đó Việt Nam được nhìn nhận như một trụ cột quan trọng, bởi những tương đồng về lịch sử, văn hóa cũng như di sản quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và niềm tin chiến lược được dày công vun đắp giữa hai nước. Chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài 3 ngày của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee hồi trung tuần tháng 9 đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ với mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Theo Tổng thống Pranab Mukherjee, Việt Nam là một đối tác chiến lược của Ấn Độ trong ASEAN cũng như trong khu vực rộng lớn hơn.