Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ẩn họa mất an toàn giao thông ở ngoại thành - Bài 2: Vẫn còn những đám cưới buồn

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực trạng hiện nay ở các làng quê là trong tiệc tùng đám cưới còn không kiểm soát được đối tượng thanh niên uống rượu, không làm chủ được mình và có những giây phút bốc đồng.

Đó là chưa kể đến tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy, người lớn tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, lạng lách khi đường giao thông nông thôn đã được cải thiện, nhưng tầm nhìn hẹp. Điều đó cần những giải pháp thiết thực từ phía cơ quan chức năng. 
Khi đám rước dâu… có rượu

Thời gian này mùa cưới đang bắt đầu, dọc các tuyến đường có thể dễ dàng thấy các đám cưới được tổ chức linh đình cả trăm mâm. Nhưng điều mà cả chủ nhà và khách đều không quan tâm là việc chấp hành luật giao thông, phải đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Nhiều người đã “không về” sau chuyến đi dự tiệc cưới. Điều đó có nghĩa đám cưới có sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân làm tăng tai nạn giao thông. Theo quan sát ở nhiều đám cưới, trong đám rước dâu chủ yếu là thanh niên, đối tượng bè bạn cô dâu chú rể mà chỉ có một phần các bậc phụ huynh. Trước đó những đối tượng này đã “có men” nên trở nên phấn khích, trong khi đi đón - đưa dâu thì điều khiển xe máy lộn xộn, lấn đường, không đội mũ bảo hiểm, dẫn đến cản trở, gây tai nạn giao thông. Nhiều thanh niên còn lạng lách, dàn hàng ngang năm sáu xe lấn đường, bốc đầu, lái bằng chân khiến các phương tiện khác phải dẹp sang một bên. Nhiều đám đưa - đón dâu đi qua tỉnh lộ, quốc lộ mà đa số người tham gia không đội mũ bảo hiểm. Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, người dân sống ở khu vực thị trấn Phú Xuyên (Hà Nội), chia sẻ: “Nhiều đám cưới khi đón và đưa dâu, ngoài số lượng xe máy có khi còn sử dụng hàng chục chiếc xe ô tô. Trong khi đó không phải lái xe nào cũng có ý thức. Đã có đám đón dâu đi qua là tắc đường, bởi xe đưa đón dâu thường đi chụm lại, và chậm để đợi nhau. Cứ dềnh dàng như thế thì làm sao không ảnh hưởng giao thông!”.

Giới trẻ nên tổ chức đám cưới an toàn, tiết kiệm.

Về vấn đề liên quan đến rượu, bia, TS Lê Thị Tuyết Mai, công tác tại Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết: “Khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia. Tình trạng say rượu, bia khiến người điều khiển phương tiện không kiểm soát được hành vi dẫn đến gây tai nạn và thương vong trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, hậu quả của các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất của vụ việc lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, cần nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế TNGT liên quan đến rượu bia”.

Xóa dần tâm lý nể nang

Một trong những giải pháp kiềm chế TNGT, cản trở giao thông là làm tốt công tác truyên truyền, vận động thực hiện đám cưới theo nếp sống mới, nói không với rượu bia. Thời gian qua, Đoàn thanh niên TP Hà Nội đã làm khá tốt việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội. Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Ngay từ năm 2012, Thành đoàn Hà Nội đã có mô hình đám cưới tập thể. Tại các quận, huyện cũng có mô hình cưới văn minh, chỉ tổ chức tiệc ngọt. Tuy nhiên, ở các phường, xã, thị trấn việc thực hiện vẫn còn hình thức, chưa được sâu rộng. Nhiều đám cưới tổ chức rình rang mấy ngày liền, tiêu thụ một lượng lớn rượu bia, gây lãng phí và nhiều hệ lụy. Ở một khía cạnh khác của vấn đề, theo quan sát ở các tuyến đường ngoại thành, có thể thấy tốc độ di chuyển của các phương tiện khá nhanh, đường ngang ngõ tắt nhiều; nhiều người còn sử dụng xe kéo, thậm chí do phụ nữ điều khiển với tay lái kém, thiếu an toàn. Điều này cũng cần được cải thiện không chỉ bằng việc phối hợp với cán bộ cấp xã, phường, trị trấn để tuyên truyền, mà hình thức tuyên truyền cần sâu rộng hơn, đến cấp xóm, thôn mà lực lượng chính cũng là thanh niên, bằng những buổi diễn kịch, tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ có tính giáo dục cao. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) năm nào cũng có thống kê, cho thấy có tới 70% số vụ TNGT xảy ra ở ngoại thành. Địa bàn xảy ra nhiều tai nạn nhất là: Gia Lâm, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Đức… Nhiều ý kiến cho rằng không phải do hạ tầng cơ sở xuống cấp, bởi ở ngoại thành, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bây giờ cũng đã được bê tông hóa, mà do ý thức chưa cao, lực lượng CSGT không “phủ sóng” hết. Thậm chí ở nơi có bóng dáng lực lượng chức năng nhưng thanh niên vẫn làm ngơ. Dẫn chứng cụ thể, tại QL1A, đoạn đi qua thị trấn huyện Thường Tín vào buổi tối thường có rất đông thanh, thiếu niên tập trung điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao và chở 3, 4 người. Lực lượng CSGT cần xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm để răn đe. Một trong những nỗ lực của cơ quan chức năng, là ngày 31/5/2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Ban ATGT TP Hà Nội đã ký Chương trình phối hợp số 40/CTrPH-MTTQ-BATGT về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2017 - 2021”. Hy vọng rằng, với sự phối hợp ấy cùng nhiều biện pháp khác, toàn diện sẽ góp phần tích cực, mau chóng vào việc xây dựng khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”.