Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn nấm hoang dại: Nguy hại khôn lường

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc do ăn nấm rừng, nấm hoang dại dẫn đến nguy kịch khiến nhiều người lo lắng. Theo các chuyên gia, nếu ăn phải nấm độc và không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại những di chứng như suy gan, suy thận, thậm chí tử vong.

Nguy kịch do ăn nhầm nấm độc
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) đa khoa thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời cứu sống 4 bệnh nhân đều trú tại thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh bị ngộ độc do ăn nhầm nấm độc hái từ rừng. Được biết, đây là loài nấm lần đầu họ ăn, vẻ bề ngoài nhìn giống với nấm mối. Sau khi ăn được 30 phút thì xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, nôn mửa, đi ngoài nhiều lần và được đưa tới BV cấp cứu. Tại BV, bệnh nhân được xử lý theo phác đồ, hiện sức khỏe cơ bản ổn định.
 Nấm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được trồng tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Chiến Công
Các bác sĩ tại BV đa khoa thị xã Kỳ Anh khuyến cáo, ở địa bàn bắt đầu mùa mưa nên nấm rừng mọc nhiều, khó nhận biết nấm ăn được và không ăn được. Do vậy, người dân nên cẩn thận khi chế biến. Nếu ăn phải nấm độc và không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại các di chứng như suy gan, suy thận, thậm chí tử vong. Người dân chỉ sử dụng những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ.

Trước đó, tại thôn Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cũng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm khiến 5 cháu nhỏ tử vong. Trong khi đó tại Quảng Ngãi, 3 người trong một gia đình tử vong do ăn phải nấm lạ. Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ tổn thương do ngộ độc nấm rất cao, dễ gây tử vong nhưng người dân vẫn chưa có nhiều hiểu biết, hái nấm trong rừng, nấm lạ về ăn.

Phòng tránh ngộ độc nấm

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trên thực tế có hàng nghìn loại nấm, trong đó, số loại nấm độc không nhiều. Tuy nhiên, để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, ngay cả chuyên gia cũng có thể nhầm. Nấm độc nhất gây tử vong thường là nấm trông đẹp, bắt mắt và ngon. Loại nấm thường gây ngộ độc nặng và tử vong ở Việt Nam là nấm độc tán trắng (Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), gây đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều, sau đó viêm gan, suy gan, suy thận và tử vong. Thông thường, ngộ độc nấm xảy ra vào mùa Xuân. Nhưng lác đác trong năm, vẫn có những ca bệnh nhân ngộ độc nấm.

TS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho rằng, một vấn đề rất nguy hiểm cho nạn nhân ngộ độc nấm cũng như gây khó khăn cho các bác sĩ là những loài nấm gây ngộ độc nặng và tử vong thường là loại có biểu hiện ngộ độc xuất hiện chậm quá 6 giờ sau ăn. Nghĩa là khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng. Bệnh nhân đến viện muộn, bị tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy thận rất dễ tử vong. Tỷ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn.

“Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại ăn. Nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm nhìn lành và ngon đến mấy, thậm chí ai đó quả quyết là loại nấm không độc thì cũng không ăn... Có lẽ chỉ có loại nấm mọc hoang dại duy nhất mà người dân có thể yên tâm ăn là mộc nhĩ”- TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng nhấn mạnh, các vụ ngộ độc về nấm thường phát hiện muộn khi đã qua nhiều giờ nôn nhiều. Nếu nạn nhân còn tỉnh, uống được thì biện pháp sơ cứu ban đầu là cho nạn nhân uống nhiều Oresol hoặc nước khoáng, nước quả, nước rau luộc pha muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Liên quan đến vấn đề này, theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau. So với các loại ngộ độc khác, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Vì vậy, Cục ATTP khuyến cáo, khi bị ngộ độc nấm cần xử trí và dự phòng đúng cách. Theo đó, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời để bệnh nhân được rửa dạ dày, uống than hoạt tính sớm. Bên cạnh đó, người dân nên đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế, đồng thời, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

Theo Cục ATTP, người dân dứt khoát không ăn các loại nấm khi còn nghi ngờ. Đặc biệt, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo sẽ khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu. Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố dễ gây ngộ độc.