Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An ninh khu vực Đông Bắc Á: Giữa xa và quá xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào những diễn biến về chính trị an ninh thời gian vừa qua ở khu vực Đông Bắc Á không thể không thấy một thực tế là tất cả các đối tác liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đều đã đi xa hơn trước rất đáng kể trong hành động của họ so với trước.

Tất cả xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, xoay quanh hòa bình hay chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và xoay quanh mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Trung Quốc, Nga và Nhật Bản thật ra chỉ là những nước liên quan gián tiếp nhiều hơn, nhưng đóng vai trò quan trọng không kém 3 đối tác kia trong mọi kịch bản về diễn biến của tình hình trong tương lai.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ thử bom của Triều Tiên ngày 6-1.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ thử bom của Triều Tiên ngày 6-1.
Tất cả đều đã đi xa hơn trước. CHDCND Triều Tiên với việc lại thử hạt nhân và tên lửa, với tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ mức để có thể lắp lên đầu tên lửa, với lời đe dọa hủy hoại tài sản của Hàn Quốc và san phẳng khu Manhattan của Mỹ bằng bom nhiệt hạch, với ý định sẽ còn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân. Liên Hợp quốc (LHQ) đi xa hơn với nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt CHDCND Triều Tiên quyết liệt nhất kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên. Trung Quốc và Nga đã đi xa hơn khi đồng tình với nghị quyết này, và đặc biệt là Trung Quốc còn lần đầu tiên cùng Mỹ soạn thảo dự thảo nghị quyết ấy và cùng đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ. Mỹ và Hàn Quốc đã đi xa hơn với việc tiến hành đàm phàn về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, họ lại còn tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu công khai là tập luyện cách thức tấn công đánh chiếm CHDCND Triều Tiên. Nhật Bản cũng đã đi xa hơn trước với tuyên bố ý định sẵn sàng bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, 3 nước Mỹ, Nga và Trung Quốc khẳng định quan điểm không chấp nhận việc    CHDCND Triều Tiên được coi là cường quốc hạt nhân.

Chưa khi nào từ trước tới nay ở khu vực này xuất hiện cục diện và tương quan lực lượng như vậy. Căng thẳng và đối địch đang tiếp tục leo thang. Các bên liên quan đang sắp xếp thế trận, bài binh bố trí cho cuộc chơi mới cả về chính trị, pháp lý lẫn quân sự và truyền thông. Những động thái trên thực địa được đồng hành với cuộc chiến tranh tâm lý trên dư luận. Tuy nhiên, chưa bên nào dám đi quá xa và khơi ngòi cho bùng phát xung đột vũ trang trên thực địa. Ai cũng rõ giới hạn của mình và đều ý thức đầy đủ về sự cần thiết không để cho tình cảm lấn át lý trí, không để cho những quyết định bột phát làm tổn hại đến lợi ích chiến lược lâu dài. Trung Quốc vẫn không thể bỏ rơi Triều Tiên. Triều Tiên vẫn không dám manh động tấn công Hàn Quốc cho dù còn tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không tạo cớ để khiêu khích Triều Tiên manh động. Cuộc chơi chưa đến hồi kết và chẳng phải lần chơi cuối cùng của các đối tác này.