Kỳ thi tiếng Hàn năm nay diễn ra trong hai ngày 17,18/6 tại ba miền, gồm Hà Nội (hai điểm thi với 9.104 thí sinh), Đà Nẵng (một điểm thi với 5.212 thí sinh), Thành phố Hồ Chí Minh (một điểm thi với 2.500 thí sinh).
1 chọi 6
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động ít nhất là 1.000-1.500 USD. Người lao động Việt Nam được các doanh nghiệp sử dụng Hàn Quốc ưa thích tuyển dụng vì sự cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tính cách với người Hàn Quốc. Mức thu nhập hấp dẫn, điều kiện làm việc tốt là những nguyên nhân khiến rất nhiều lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
Kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức trong hai ngày 17,18/6 để chọn ra 2.800 lao động được sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, ngành chế tạo phía Hàn Quốc sẽ tuyển 1.500 người, xây dựng 500 người, ngư nghiệp 800 người.
Mỗi năm chỉ tổ chức một lần nên số lượng thí sinh tham gia rất lớn. Trong kỳ thi này, có tới hơn 16.800 thí sinh dự thi để chọn ra 2.800 lao động, tỷ lệ chọi là cứ 6 thí sinh chỉ chọn 1 người lao động. Tỷ lệ chọi của kỳ thi này thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ của các trường đại học.
Mang bầu gần 8 tháng vẫn lặn lội từ Ninh Binh về Hà Nội dự kỳ thi tiếng Hàn, chị Đặng Thị Hằng (quê huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ rằng đây là lần thứ hai dự thi và chị rất quyết tâm để được sang Hàn Quốc làm việc. Thậm chí, nếu đỗ kỳ thi lần này, chồng chị Hằng sẵn sàng trông con nhỏ cho chị đi Hàn Quốc làm việc.
“Tôi đã đi làm ở các khu công nghiệp trong Bình Dương được 7 năm và nhận thấy thu nhập làm việc trong nước thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Vì thế, nếu cùng là đi làm xa thì thà đi làm một vài năm ở Hàn Quốc nhưng có một khoản tiền kha khá mang về cho gia đình,” chị Hằng tâm sự.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ giúp người lao động mang lại một nguồn kinh tế lớn cho gia đình nên rất nhiều người lao động tham gia kỳ thi, tỷ lệ chọi cũng cao hơn thi đại học. Năm ngoái, tỷ lệ chọi lên tới 1 chọi 10 thì năm nay đã giảm, người lao động đã không còn coi đi thi như một vận may mà đã ý thức được việc tham gia kỳ thi phải ôn luyện tốt, có kiến thức.”
Phát hiện máy thu phát tín hiệu
Trong tất cả các kỳ thi tiếng Hàn, các thí sinh trước khi vào phòng thi đều được kiểm tra qua cổng từ để phát hiện các thiết bị điện tử. Vì vậy, kỳ thi này thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả kỳ thi đại học. Đặc biệt, tại mỗi phòng thi đều có một giám thị coi thi đến từ Học viện An ninh nhân dân, cán bộ Tổng cục Hậu cần-Kỹ Thuật (Bộ Công an)... để hỗ trợ việc phát hiện những thủ đoạn gian lận về kỹ thuật trong kỳ thi.
“Tỷ lệ chọi cao nên việc tổ chức thi nghiêm túc sẽ đảm bảo một kỳ thi công bằng. Bên cạnh đó chọn ra được những người lao động có ý thức, định hướng tốt để đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, không làm mất cơ hội của người lao động trong nước,” ông Nguyễn Tiến Tùng nói.
Trước kỳ thi, thí sinh dự thi đã được khuyến cao về việc không mang điện thoại di động, các thiết bị thu phát sóng điện tử vào khu vực thi... Thế nhưng ngay trong sáng nay tại điểm thi trường Đại học Lao động-Thương binh và Xã hội (Hà Nội) đã phát hiện 2 thí sinh mang thiết bị thu phát sóng điện tử vào trường thi.
Hai thí sinh này đã giấu thiết bị thu phát sóng điện tử được bọc giấy bạc trong giầy và đã bị phát hiện ngay khi qua cổng từ. Thí sinh có hành vi gian lận đã bị lập biên bản và cấm tham gia các kỳ thi tiếng Hàn trong 3 năm.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, mặc dù vẫn phát hiện thí sinh không tuân thủ quy định nhưng so với kỳ thi trước thì việc chấp hành các quy định của thí sinh trong kỳ thi này vẫn tốt hơn. Sau nhiều lần tổ chức, kỳ thi nưm nay được chuẩn bị tốt và tuyên truyền rộng rãi nên người lao động có ý thức hơn khi tham gia kỳ thi./