Kinhtedothi - Chiều ngày 1/4, đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội bị vỡ khiến hơn 70.000 hộ dân các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai bị mất nước sạch. Đây là lần thứ 5 xảy ra sự cố tương tự trong khoảng 2 năm qua. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình cũng như khâu khảo sát, thi công đường ống của chủ đầu tư có vấn đề.
Nghi ngờ chất lượng công trình
Đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội có chiều dài 47,5km, cấp 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy nước sông Đà về nội thành Hà Nội. Đây là tuyến ống cấp nước sạch duy nhất từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội. Do đó, mỗi khi xảy ra sự cố sẽ làm hơn 70.000 hộ dân bị mất nước, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn người không có nước sinh hoạt. Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Lê Quang Hùng cho rằng: Sự cố vỡ đường ống nước sạch xảy ra quá nhiều lần như vậy là không thể chấp nhận được. Bộ Xây dựng, cụ thể là Cục Giám định sẽ cử đoàn kiểm tra sự việc và làm việc với Vinaconex về chất lượng đường ống.
Theo một số chuyên gia xây dựng, sự cố vỡ ống nước có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vị trí xây dựng đường ống, chất liệu đường ống, quy trình thi công. Trong 5 lần vỡ ống, chủ đầu tư Vinaconex đều chỉ ra là do nền đất yếu, còn vấn đề chất liệu đường ống và quá trình thi công không được đề cập. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng tuyến ống lớn, chịu áp lực nước cao nếu sử dụng ống composite dẫn đến khả năng chịu lực kém, ống sẽ rất dễ vỡ. Trên thực tế, ống composite cũng mới xuất hiện trên thị trường do một đơn vị của Vinaconex sản xuất và được sử dụng lần đầu tiên cho Dự án cấp nước sạch từ sông Đà. Loại ống này nếu lắp đặt trên nền đất yếu, chưa được xử lý kỹ thì chỉ cần nền đất lún không đều sẽ bị biến dạng, vỡ. Bởi, vật liệu composite không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc uốn cong. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nghi ngờ về chất lượng công trình. Khi thi công nhà thầu đã không xử lý tốt khu vực có nền yếu dẫn đến lún, sụt?
Chờ một giải pháp khả thi
Sự cố vỡ đường ống nước sạch lần này đã được khắc phục nhanh hơn dự kiến 1 ngày. Tuy nhiên, việc liên tiếp xảy ra 5 sự cố chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm trở lại đây khiến người dân Thủ đô lo ngại về sự an toàn của tuyến ống cũng như sự ổn định của nguồn nước quan trọng này, nhất là nắng nóng đang tới gần.
Vào cuối năm 2012, khi sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội xảy ra lần đầu tiên, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước đã được đặt ra. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng bể dự trữ nước 30.000m3, tiếp đến là đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước sạch thứ 2 từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 2 công trình trên vẫn chưa được triển khai. Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex thừa nhận: Hiện, việc thu xếp vốn đầu tư giai đoạn II (xây dựng tuyến ống thứ 2) rất khó, Công ty đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, đồng thời đã trình Bộ KH&ĐT xin vay vốn ADB để triển khai. Nhưng nhanh nhất cũng phải đến năm 2016 mới có thể vay được vốn để triển khai dự án.
Việc liên tục xảy ra các sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cụ thể, vào ngày 31/12/2013, sau sự cố vỡ ống nước lần thứ 4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra tuyến ống cấp nước của Nhà máy nước sông Đà thuộc Tổng Công ty Vinaconex và thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cấp nước cho phía Tây Thủ đô. Nhưng đến nay, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước cho người dân khu vực phía Tây Hà Nội vẫn chưa có. Và sự cố vỡ đường ống nước khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn đã trở thành căn bệnh mãn tính chưa tìm được thuốc chữa.
Khắc phục vụ vỡ đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội cuối năm 2013. Ảnh: Văn Chiến
|
Liên quan đến sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho biết, khoảng 1 giờ 20 ngày 2/4, đoạn ống vỡ đã được sửa chữa xong. Sau khi đường ống vỡ được sửa chữa, Công ty đã xúc xả đường ống và bắt đầu cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội lúc 8 giờ 30 và đến chiều cùng ngày, nước sạch đã được cấp trở lại cho các hộ dân quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai. |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Tích Xuân (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, nền đất khu vực Đại lộ Thăng Long không có biến động. Phải có nghiên cứu cụ thể mới có thể nhận xét được chính xác nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có thể nền đất ở khu vực huyện Thạch Thất yếu nên đã gây ra sụt lún và dẫn đến sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà. (Hồng Thái) |