Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An tâm với chất lượng nguồn nước mặt sông Đà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa ngày càng cao khiến nguồn nước (kể cả nước mặt lẫn nước ngầm) tại nhiều nơi, đặc biệt là các TP lớn bị ô nhiễm và suy giảm trữ lượng.

Tại Hà Nội, kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nước ngầm tự nhiên bị nhiễm asen ở cả hai tầng Holocene và Pleistocene (nông và sâu), nghiêm trọng nhất là ở khu vực phía Nam của TP. Các chuyên gia đã kiểm tra, lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm là các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn TP.

 
An tâm với chất lượng nguồn nước mặt sông Đà - Ảnh 1

 
Kết quả cho thấy, 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn Việt Nam. Hầu hết các điểm phát hiện có asen đều nằm gần các nhà máy nước: Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên, Gia Lâm, Pháp Vân và Linh Đàm. Sự biến động lớn của nồng độ asen theo thời gian cũng được các chuyên gia ghi nhận, xảy ra cao nhất vào các quý II và IV, thấp nhất vào quý I và quý III trong một năm. Tại một số đô thị, việc khai thác nguồn nước ngầm đã và đang làm cạn kiệt nguồn nước, làm suy giảm chất lượng nguồn nước do nhiễm bẩn, xâm nhập mặn và xáo trộn mực nước. 

Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ngầm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi sự trợ giúp khoa học, công nghệ từ các tổ chức quốc tế. Qua đó, việc quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế - xã hội. Đồng thời, lập hành lang bảo vệ nguồn nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa.

 Ở Hà Nội, cùng với việc nâng cao chất lượng khai thác nước ngầm, phương án khai thác nguồn nước mặt đã được tính đến. So sánh với phương án khai thác nước mặt từ sông Hồng, sông Đuống, phương án khai thác nguồn nước mặt từ hạ lưu sông Đà đã được nghiên cứu kỹ lưỡng với đánh giá có nhiều ưu điểm như: nguồn nước dồi đào, ít có các hộ lấy nước khác làm ảnh hưởng; lòng dẫn sâu, ít biến động, đảm bảo việc lấy nước được ổn định hơn; đặc biệt là chất lượng nguồn nước đảm bảo, nước trong và sạch, ít bùn cát… Hơn nữa, vị trí điểm lấy nước nằm ở phía hạ lưu thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu cho nên các hồ thủy điện đóng vai trò hồ dự trữ, sơ lắng làm chất lượng nước ngày càng tốt. Đây là những yếu tố căn bản để Tổng Công ty CP Vinaconex đầu tư xây dựng nhà máy khai thác nguồn nước nước mặt sông Đà.

Đại diện của Công ty CP Viwasupco, đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội cho biết, để đảm bảo tính khách quan về đánh giá chất lượng nước cung cấp, Công ty đã ký hợp đồng với hai đơn vị kiểm nghiệm độc lập để kiểm tra, giám sát, xét nghiệm. Không chỉ thử nghiệm nước đầu ra, hàng ngày, Công ty vẫn thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra hóa nghiệm nước thô đầu vào. Thực hiện Quyết định số 2336/QĐ - BYT ngày 26/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm chất lượng nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt tại TP Hà Nội, ngày 28/06/2014, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước tại Công ty CP Nước sạch Vinaconex và kiến nghị Công ty triển khai việc định kỳ xét nghiệm chỉ tiêu mức độ C Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống. Ngay sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, Công ty CP Viwasupco đã chủ động liên hệ, ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để thực hiện kiểm tra, giám sát, xét nghiệm chất lượng nước theo các chỉ tiêu mức độ C Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống. Kết quả phân tích xét nghiệm cho thấy toàn bộ 78 chỉ tiêu phân tích xét nghiệm theo Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của nước sông Đà do Công ty CP Viwasupco sản xuất đều đạt tiêu chuẩn yêu cầu. 

Thực hiện kiểm nghiệm chỉ tiêu mức độ C Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống là cấp độ cao nhất hiện nay. Với kết quả kiểm nghiệm khả quan, chất lượng nước sạch khai thác từ nguồn nước mặt sông Đà càng được khẳng định. Như vậy, không chỉ người dân Hà Nội, mà cả những hộ dân ở cùng phụ cận như Hòa Bình, Hà Đông nơi có nguồn cung cấp nước sạch từ nhà máy nước sông Đà, có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng nước sử dụng hàng ngày. 
 
Một trong những nhu cầu thiết yếu của con người là nước sạch. Tuy nhiên, ngay cả người dân ở những thành phố lớn cũng chưa thể thực sự yên tâm với nguồn nước sinh hoạt mình đang sử dụng hàng ngày. Trong những năm qua, nguồn nước mặt sông Đà đã cung cấp hỗ trợ cho nguồn nước sạch của các trạm khai thác và xử lý nước ngầm của Hà Nội,  góp phần làm giảm bớt sự lo lắng về tình trạng nguồn khai thác nước ngầm dần cạn kiệt cũng như sự suy thoái của chất lượng nước ngầm.