Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn Tết ở nước ngoài: Nghĩ đến Tết ở nhà, mắt đỏ hoe

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với những người Việt sinh sống và học tập tại nước ngoài, Tết đầu tiên xa nhà chính là khoảnh khắc cảm nhận rõ nhất những giá trị của tình yêu quê hương.

“Tết xa nhà thiếu đi mọi thứ”
Nguyễn Trà My, hiện sinh sống tại Anh cho biết, chị đã có 5 cái Tết ở xứ người nhưng lần đầu tiên có lẽ là nhiều cảm xúc hơn cả. Lần đầu tiên My ăn Tết ở Anh là vào năm 2009, khi vừa “chân ướt chân ráo” sang xứ người, và cũng là lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác không có bánh chưng hay nem, không có Tết.
 Trà My (ngoài cùng bên trái) cùng các du học sinh tại Anh. Ảnh nhân vật cung cấp.
“Ngày 30 Tết năm đó, tôi vẫn phải đi làm thêm. Khi tôi ngồi trên xe buýt đi làm cũng là lúc ở nhà mọi người ở nhà chuẩn bị đón Giao thừa, tôi cố gắng gọi điện về nhà nhưng không được vì bị nghẽn mạng, nhớ nhà và tủi thân vô cùng”, My chia sẻ.
My đi làm mà mắt mũi đỏ hoe, khiến cả khách hàng lẫn bạn bè đều ngạc nhiên. “Sau này, khi đã có thêm vài cái Tết ở nước ngoài nhưng tôi không bao giờ có thể quên được cái Tết năm ấy”, My cười, nói.
Cùng tâm trạng, dù đã đi qua nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đan Mạch và Pháp trong 6 năm qua và có 5 cái Tết không ở Việt Nam nhưng với chị Minh Châu, cái Tết đầu tiên xa nhà vẫn là khó quên nhất. Dịp Tết năm đó lẫn lộn nhiều cảm xúc rất khó tả, vừa vui, vừa buồn và đặc biệt là nhớ nhà.
“Hôm ấy đi làm về là tôi vội vàng gọi điện cho bố mẹ chúc Tết ngay. Qua điện thoại, thấy ở nhà vui lắm, gia đình và họ hàng nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng sau khi tạm biệt mọi người thì cảm xúc nhớ nhà ùa đến. Lúc Giao thừa mà không gian xung quanh vẫn im ắng, mình lại nhớ đến không khí vui vẻ của Tết ở nhà là nước mắt cứ tự chảy ra”, chị Châu nói.
Chị chia sẻ thêm, nỗi nhớ của người ăn Tết xa nhà quanh quẩn từ nỗi nhớ không khí đầm ấm trong gia đình, nhớ bố mẹ ông bà, đến những thứ nhỏ nhặt như nhớ mùi hương trầm ấm áp, nhớ vị cay nồng của mứt gừng, thậm chí nhớ cả cái vị ngậy ngậy của đĩa xôi gấc mẹ làm... “Tết xa nhà giống như thiếu đi mọi thứ vậy”, chị chia sẻ.
Nhắc đến Tết, không chỉ có phụ nữ dễ xúc động mà ngay cả nam giới cũng không nén được nỗi nhớ khi ăn Tết ở xứ người. Anh Harry Trần (Australia) - người đã có 8 cái Tết ở nước ngoài cho biết, lần đầu ăn Tết xa nhà là khi đang học tập tại Đức. “Tôi nhớ phong tục của Việt Nam ghê gớm, tôi nhớ ngày ông Công ông Táo đưa cháu gái đi thả cá chép, nhớ cảnh mọi người đông đúc đi mua đào, quất đón Tết ở Nhật Tân. Và nhớ nhất là buổi sáng mùng Một Tết, cả gia đình mừng tuổi và có bữa cơm đầy đủ các thành viên”, anh Harry nói.
Tự mang Tết về nhà
Sau năm đầu tiên lặng lẽ, hầu hết người Việt ở nước ngoài đều tập trung lại với nhau, cùng tổ chức Tết ở nước ngoài để cùng chia sẻ nỗi nhớ nhà.

 Chị Châu cố gắng nấu những món truyền thống để có không khí Tết như ở nhà.

Ảnh nhân vật cung cấp.

Sau năm đầu tiên, chị Châu đã thay đổi suy nghĩ. “Thay vì buồn và nhớ nhà thì mình tự tạo ra cái Tết cho mình ở bên này. Mình cũng gói bánh chưng, bánh tét để gia đình mình cũng được hưởng bầu không khí Tết”, chị Châu nói.
Từ những năm sau đó, chị Châu bắt đầu thắp hương ngày Tất Niên. Trong những ngày đầu năm, chị cùng bạn bè người Việt gặp gỡ, nấu nướng cho bữa cơm đầu năm. Không khí bận rộn, vui vẻ cũng giúp mọi người vơi bớt nỗi nhớ nhà.
 Chị Châu và con trai gói bánh chưng. Ảnh nhân vật cung cấp.
Còn với My, đến cái Tết thứ hai, cô cùng các bạn du học sinh đã có kỷ niệm đáng nhớ khi cùng nhau gói bánh chưng và tổ chức ăn Tết tại Anh. “Mỗi người được giao một nhiệm vụ: người đi mua lá chuối về gói bánh, người chuẩn bị đỗ, người ngâm gạo làm xôi, người đi chợ... Ai cũng háo hức. Gói bánh xong, lại chia nhau mỗi người luộc một vài chiếc”, My kể lại.
My chia sẻ, chiếc bánh chưng hôm đó vô cùng đặc biệt vì là chiếc bánh chưng đầu tiên tự tay làm, mà lại ở nước ngoài. “Chưa bao giờ tôi thấy bánh chưng nào ngon như thế. Hôm đấy ăn vèo hết bay cái bánh chưng to đùng”, My vui vẻ nói. Những năm tiếp theo, My cùng bạn bè tại Anh còn cùng thuê một khu riêng, trang trí cây đào, cây mai để đón Tết. “Những hoạt động đón Tết như vậy giúp mọi người gắn bó, chia sẻ với nhau nhiều hơn, nhất là với những người xa quê hương”, My cho biết.
Anh Harry cho biết, đón Tết ở Australia tất nhiên sẽ khác với ở Việt nam, nhưng cộng đồng người Việt tại đây vẫn duy trì truyền thống như đi phiên chợ cuối năm, mua hoa cúc, hoa ly về bày tết… nên cũng cảm nhận được chút không khí tết và đỡ đi cảm giác nhớ nhà.