Doanh nghiệp chưa chú trọng
Đơn cử, ngày 22/4, tổ công nhân 10 người thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã dừng máy móc để kiểm tra bảo dưỡng thì bất ngờ xảy ra tai nạn làm 7 công nhân tử vong tại chỗ, 3 người bị thương; nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện.
Sáng 1/5, tại Công ty gỗ Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) lại xảy ra sự cố nổ lò hơi làm 6 người chết tại chỗ, 7 người bị thương. Chiều 23/5, trong quá trình làm việc tại một công ty chuyên sản xuất ván ép (tỉnh Bình Phước), anh Nguyễn Văn L. đổ bao bột vào thùng trộn keo thì bị cần quay của máy trộn keo kéo vào làm đứt lìa cánh tay trái, 2 ống chân, sau 2 ngày điều trị đã tử vong.
Theo các chuyên gia ATVSLĐ, hệ thống Luật ATVSLĐ, nghị định, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, song ở đâu đó công tác ATVSLĐ vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Có thể kể đến, Công ty Than Quang Hanh (tỉnh Quảng Ninh), năm 2023 xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 2 người. Ngày 13/5/2024, DN này bị sập lò khiến 3 công nhân tử vong. Theo TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong tư duy về ATVSLĐ, nhiều DN vẫn cho rằng đầu tư cho đảm bảo an toàn là chi phí mất đi.
Lại có không ít DN vẫn đang thực hiện ATVSLĐ ở mức tối thiểu để đáp ứng quy định của pháp luật mà chưa xem xét có đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người lao động hay chưa, có cải thiện tốt môi trường làm việc?
Từ thực tế triển khai công tác kiểm định và huấn luyện ATVSLĐ, TS Đặng Xuân Trọng - Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện ATVSLĐ TP Hồ Chí Minh cho rằng, các DN và chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, chú trọng đến công tác huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Việc huấn luyện ATVSLĐ còn hình thức, chưa sát với thực tế, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ đang làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng quy trình, biện pháp làm việc an toàn...
Lại có nhiều DN bố trí, giao việc cho người lao động nhưng chưa qua đào tạo hoặc giao việc rồi mới đào tạo. Thời gian tập huấn ATVSLĐ là bắt buộc và theo chương trình khung của Bộ LĐTB&XH nhưng DN thực hiện chưa đầy đủ về thời gian, nội dung, kiểm tra sát hạch.
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ còn mỏng, thực hiện không triệt để dẫn đến các vi phạm về ATVSLĐ chưa được phát hiện và xử lý.
Để người lao động bảo vệ bản thân tốt hơn
Là thành viên của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chúng tôi cam kết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về ATVSLĐ; phòng chống cháy nổ. Công ty thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ; phân nhiệm chế độ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, rà soát nội quy, quy trình, biện pháp an toàn đối với các máy có thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ....
Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 Hoàng Xuân Khôi
Trong bối cảnh lực lượng lao động bắt đầu bước sang giai đoạn lựa chọn nơi làm việc hơn là các DN tuyển chọn ứng viên thì điều kiện làm việc, tiêu chuẩn lao động, chính sách cơ bản, phúc lợi cho người lao động chính là điều kiện quan trọng để các công ty thu hút lao động.
Từ quan điểm này, TS Nguyễn Anh Thơ cho rằng, tập huấn về ATVSLĐ là biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao, đảm bảo ATVSLĐ giúp cho DN và người lao động tự bảo vệ mình tốt hơn. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ cũng như giảm thiểu số vụ tai nạn lao động, trước tiên rà soát và bổ sung chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho phù hợp với tình hình mới.
Cũng cần có những quy định, giám sát chất lượng những hệ thống công trình đi kèm theo các dự án đầu tư của nước ngoài, trong nước ngay từ khi xây dựng.
“Hiện nay, chúng ta không chỉ phải đối diện với những nguy cơ truyền thống mà cả những vấn đề mới, nguy cơ mới về an toàn sinh học, hạt nhân nguyên tử... thậm chí có cả những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động” - TS Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
Vì thế, chúng ta phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giỏi về ATVSLĐ để quản lý hàng triệu DN trong tương lai và các ngành nghề mới.
Để giảm thiểu những vụ tai nạn lao động thương tâm như đã xảy ra, theo TS Đặng Xuân Trọng thì cần phải thực hiện nghiêm công tác huấn luyện ATVSLĐ, đặc biệt chú trọng huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phương án làm việc an toàn cụ thể.
Đối với công nhân trực tiếp làm việc thì cần huấn luyện về quy trình biện pháp, phương án làm việc an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện và dụng cụ cứu hộ, cứu nạn.
Qua các vụ tai nạn lao động, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc hơn quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trước khi làm việc. Người lao động có nhiều kiến thức về ATVSLĐ sẽ hạn chế được tai nạn lao động nhiều hơn.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh
Về phía các DN phải xây dựng Quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy, trong đó nêu rõ: hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly khu vực thực hiện; năng lực chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện ATVSLĐ; bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Các DN phải bố trí hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố gây nguy hiểm, độc hại ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ đọc và tuân thủ thực hiện.
Các chuyên gia ATVSLĐ cho rằng, để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, các cấp, ngành, DN tăng cường công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo về những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người sử dụng lao động và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở để bảo vệ người lao động tốt hơn.
Đặc biệt là 3 chủ thể là Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải chung tay xây dựng ATVSLĐ nhằm cải thiện điều kiện lao động, duy trì sức khỏe người lao động. Qua đó sẽ nâng cao năng suất, người lao động yên tâm gắn bó với DN và góp phần đảm bảo uy tín, thương hiệu cho công ty.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các DN quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Bộ LĐTB&XH khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới.