Hơn thế nữa, thực phẩm nói chung và vấn đề ATTP nói riêng cũng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm với thế hệ sau.
Đó là nội dung chính của Diễn đàn Trách nhiệm Xã hội DN với chủ đề "An toàn thực phẩm - Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau" do Văn phòng DN vì sự Phát triển Bền vững (VCCI - SDforB), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam (GCNV) diễn ra ngày 20/9 dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội các Nhà Bán lẻ Việt Nam (AVR).Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và kết quả khảo sát xã hội, các siêu thị và trung tâm mua sắm hiện chiếm 25% thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Dự kiến, đến 2020, con số này sẽ tăng mạnh lên 45%, tương đương với khoảng 1.500 siêu thị và 350 trung tâm mua sắm và thương mại. Hơn 50% thị phần còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hoá quy mô gia đình. Xu hướng phát triển này nhấn mạnh vai trò của các nhà bán lẻ trong việc bảo đảm chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ và cơ quan hỗ trợ về công nghệ và tiêu chuẩn cũng cần được quan tâm hơn nữa nhằm có được niềm tin của NTD.
Tại diễn đàn, đa số các DN, NTD đều thẳng thắn chỉ ra, thực tế người sản xuất vô cùng tùy tiện, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn họ dùng nước rửa bát để rửa quả cam bóng đẹp chuyển ra thị trường, hay rửa rau ở cống mương… Trong khi đó, các DN đều mong muốn có sản phẩm sạch nhưng đơn cử có khoảng 20 loại rau mùa hè và 40 loại rau cho mùa đông vì thế để áp dụng công nghệ thích ứng cho các loại rau là rất khó. Bởi, để tăng 100 - 200 đồng/kg rau đảm bảo ATTP thì DN phải bỏ chi phí khá lớn cho công nghệ nên sự đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến không có chuỗi thực phẩm an toàn. Một cái khó cũng được chỉ ra rằng, nhiều DN đầu tư công nghệ, sẵn sàng bao tiêu khép kín sản phẩm nhưng khi lơ là giám sát thì bà con lại nhét rau vào bao tải phân bón, không tuân thủ quy trình sản xuất an toàn...Do đó, biện pháp tốt nhất khi đầu tư vào lĩnh vực này là các DN nên áp dụng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, cũng như thực hành tốt sau thu hoạch nhằm phát huy tối đa chuỗi giá trị sản phẩm của mình. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Hữu Đạo - Giám đốc Công ty CP Nông phẩm Công nghệ cao An Việt chia sẻ, trước đây chúng ta tập trung tăng lượng mà quên chất, nhưng bắt đầu DN và NTD quan tâm đến thực phẩm sạch. “Việc sản xuất của nông dân manh mún, vấn đề nằm ở chỗ cơ chế quản lý của Nhà nước nên tạo điều kiện cho DN ở giữa hỗ trợ cho người dân về công nghệ, bao tiêu sản phẩm để mớ rau, con cá đưa lên quầy kệ bán đảm bảo ATTP” – ông Nguyễn Hữu Đạo nói. Đồng thời cho rằng, công nghệ bảo quản rất quan trọng, mới nói nghe xa vời, nhưng thực tế không khó nếu đầu tư tư duy, tìm hiểu và quan trọng là cần sự liên kết, làm thế nào từ sản xuất đến bàn ăn vẫn giữ nguyên chất lượng. Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, ATTP, thực phẩm sạch là những vấn đề đang được quan tâm. Mối quan ngại về sức khỏe có liên quan đến ATTP đang đặt ra câu hỏi lớn cho toàn xã hội về nhân tính và lòng tin để DN không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà phải gắn trách nhiệm xã hội. “Tôi hy vọng DN cùng nâng cao nhận thức, bắt tay thật chặt tới người sản xuất, đầu tư công nghệ ngay từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đảm bảo an toàn đến tay NTD” – ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, thị trường bán lẻ với vấn đề an toàn và môi trường có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe, sự thuận tiện, niềm vui sống của NTD. AVR cam kết thực hiện có trách nhiệm vai trò kết nối các DN sản xuất – phân phối thực phẩm an toàn, chất lượng đến tay NTD.Dự kiến, nội dung về ATTP sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 22/9 .