Trên tạp chí Diplomat hôm nay (1/11) đã đăng tải bài viết của GS M Niaz Asadullah - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (CPDS) của Đại học Malaya và NCS Liyanage Devangi Perera tại Đại học Monash, Malaysia phân tích về những yếu tố đã giúp Việt Nam vượt qua những bất lợi về kinh tế - xã hội để đạt được những thành tích đáng nể về giáo dục đào tạo.
Giáo dục tiểu học của Việt Nam được đánh giá cao.
|
Theo kết quả PISA 2012 của Việt Nam, về Toán học - lĩnh vực trọng tâm của kỳ PISA này, Việt Nam đứng thứ 17/65. Lĩnh vực Đọc hiểu: 19/65. Lĩnh vực Khoa học: 8/65. Việc Việt Nam đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Khoa học, cao hơn điểm trung bình của OECD đã gây ra không ít tranh cãi cho các chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Vào thời điểm các nước Đông Á đang cố gắng để tái hiện thành công của các nước phương Tây trong giáo dục, nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã có thứ hạng xếp trên cả Mỹ, Australia, Vương quốc Anh. Với thành tích này, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ cho quan điểm thành tựu về giáo dục tỷ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế.
Thành tựu của Việt Nam là PISA là cảnh quan tuyệt đẹp khi kiểm tra về khả năng của trẻ em thiệt thòi xã hội. Theo ông Andreas Schleicher – Giám đốc giáo dục của OECD, tuy mức sống thấp hơn nhiều nhưng học sinh Việt Nam lại có trình độ tương đương với sinh viên Hàn Quốc. Điều đáng nói là theo khảo sát độc lập, kết quả kiểm tra Toán của học sinh Việt Nam không chỉ tốt trên giấy mà cả trong tính nhẩm. 19/20 học sinh 10 tuổi có thể thực hiện các phép tính nhẩm 4 chữ số, trong khi tại Ấn Độ, quốc gia có mức thu nhập GDP/đầu người tương tự, 47% học sinh học lớp 5 không thể thực hiện phép tính có 2 chữ số.
Một số chuyên gia nhận định, sự đầu tư của chính phủ cho giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào câu chuyện thành công của Việt Nam khi 21% chi tiêu công là dành cho giáo dục, mức chi nhiều hơn bất kỳ một quốc gia OECD nào.
Thứ hạng đáng ngạc nhiên của Việt Nam trong giáo dục không phải là về nguồn lực mà nằm ở sự lựa chọn cẩn thận các chính sách giáo dục và cam kết chính trị. Trong một bài bình luận gần đây, ông Andreas Schleicher – Giám đốc giáo dục của OECD cho rằng, thành công của Việt Nam có được nhờ chương trình đào tạo được thiết kế nhằm giúp học sinh nắm chắc được kiến thức cơ bản của các môn học chính. Theo ông Schleicher, giáo viên Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ mong muốn con có kết quả học tập tốt từ phụ huynh học sinh, điều mà các quốc gia OECD không có. Theo khảo sát, mức độ áp lực của phụ huynh với điểm số của học sinh là rất cao. Trong số 65 nước tham gia khảo sát của PISA, Việt Nam đứng thứ 8 về mức độ áp lực của cha mẹ với thành tích học tập, nhất là kết quả Toán học của con em. Quan điểm này được chia sẻ bởi chuyên gia Christian Bodewig của Ngân hàng Thế giới (WB), người rất ấn tượng với chất lượng và tính kỷ luật của các giáo viên Việt Nam.
Quan trọng hơn, học sinh Việt Nam rất có ý thức về việc phải học tốt Toán học. 94% học sinh Việt Nam được hỏi cho biết, Toán học sẽ tạo nền tảng tốt cho học tập và công việc sau này.
Phụ huynh Việt Nam đặc biệt coi trọng cho đầu tư giáo dục. Điều này được minh chứng từ thực tế rằng, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách các quốc gia có du học sinh tại Mỹ.
Theo các tác giả, bất kể yếu tố gì đã giúp Việt Nam có được thứ hạng ấn tượng này, sự tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam là rất đáng hoan nghênh. Nhất là trong bối cảnh 3 nước trong ASEAN như Malaysia, Indonesia và Thái Lan bị mắc kẹt ở phía cuối của bảng xếp hạng PISA suốt nhiều năm nay.