Phát biểu trong ngày họp đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels ngày 22/6, Thủ tướng Anh Theresa May đã trình bày một số nguyên tắc trong chiến lược đàm phán về việc nước này rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Nội dung được quan tâm nhất chính là số phận và quyền lợi của công dân châu Âu tại Anh và công dân Anh tại các nước EU.
Thủ tướng May nhấn mạnh, trong bản đề nghị “thỏa thuận công bằng và nghiêm túc” này, Chính phủ Anh muốn tạo ra sự bảo đảm chắc chắn về tương lai cho khoảng 3,6 triệu công dân EU hiện sinh sống tại nước này.
Bà May khẳng định tất cả công dân EU sinh sống hợp pháp tại Anh sẽ vẫn có quyền ở lại Anh thời hậu Brexit. Đặc biệt, những người ở Anh được 5 năm sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi như người Anh.
Thủ tướng Anh cam kết sẽ đơn giản hóa hơn nữa trong mẫu hồ sơ xin định cư tai Anh, đồng thời cũng đề nghị nghị quy chế tương tự cho hơn 1 triệu công dân Anh đang sinh sống tại EU.
Theo giới phân tích, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May có cách tiếp cận mềm mỏng về Brexit.
Phản ứng trước đề xuất của Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đây là một "sự khởi đầu tốt", song vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết.
Trong giai đoạn đầu của đàm phán Brexit, cả EU và Anh đều muốn sớm có được một thỏa thuận liên quan đến số phận của 3,6 triệu công dân châu Âu đang sinh sống tại Anh cũng như tương lai của 1,2 triệu người Anh đang ở 27 quốc gia thuộc EU. Tuy nhiên, đây được xem là một trong những chủ đề khó khăn mà các quan chức châu Âu và Anh tranh cãi nhất trong nhiều tháng qua.
Chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29/3/2017 để bắt đầu tiến trình Brexit. Điều đó có nghĩa là nếu không có gì thay đổi, nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3/2019.