Anh Doãn Hoàng Giang ơi!

PGS.TS Phạm Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sự ra đi của NSND Doãn Hoàng Giang không chỉ là một thiệt thòi lớn cho ngành sân khấu, bạn bè, đồng nghiệp mà với riêng tôi, không còn được gặp anh để trò chuyện, nghe những câu chuyện về nghề, về đời của anh và được nhìn cái lắc đầu của anh “nó thế, mày ngạc nhiên làm gì”.

NSND Doãn Hoàng Giang qua đời ở tuổi 85
NSND Doãn Hoàng Giang qua đời ở tuổi 85

Tôi biết tin anh Doãn Hoàng Giang ốm đã lâu. Hỏi một bạn trong số những người gần anh cách đến thăm anh thì được tin: Anh không muốn gặp ai cả. Anh bảo “nhắn cho thằng Long chờ mấy hôm nữa anh khỏe, anh em lại gặp nhau. Anh cũng nhớ nó rồi”. Tôi biết lần này anh mệt hơn những năm trước, tuổi lại cao rồi nhưng vẫn cứ thấp thỏm hy vọng. Chiều, đọc FB anh Ngô Thảo mới biết điều mình lo lắng đã đến. Gọi cho NSND Thúy Mùi để tường tận hơn, Mùi bùi ngùi “thầy đi lúc hơn 6 giờ chiều nay rồi anh ạ. Chúng em đang bàn với Lâm (con trai anh, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm) để lo hậu sự. Có gì, em sẽ tin cho anh”.

Ở đời, có những chuyện biết là khó tránh nhưng khi điều đó xảy ra vẫn khiến cho người ta bàng hoàng, hẫng hụt. Sự ra đi của anh Doãn Hoàng Giang không chỉ là một thiệt thòi lớn cho ngành sân khấu, bạn bè, đồng nghiệp học trò mà anh ra đi, với riêng tôi, không còn được gặp anh để trò chuyện, nghe những câu chuyện về nghề, về đời của anh và được nhìn cái lắc đầu của anh “nó thế, mày ngạc nhiên làm gì”.

Anh như một người thầy, một người anh lớn dù tôi không phải là người trong nghề của anh. Tôi chỉ một lần rong chơi, nhặt được những hạt rơi vãi mà anh thường quăng bất kỳ đâu đó trong suốt mấy chục năm làm nghề của mình mà được người ta biết đến. Tôi hiểu, nhờ có anh mà tôi và không ít người khác được hưởng niềm vui của nghề. Một lần nói với anh điều đó, anh cười cười “nó thế. Mày để ý làm gì? Có duyên và có tâm thì làm gì cũng có thể có được một cái gì đó”. Tôi kể cho anh nghe điều M. Gorki nói về “những vết xước” những nhà văn để lại trên trái đất này không làm trái đất xấu đi mà tô điểm thêm cho nó, anh bảo “lão ấy thật tài. Chỉ tầm vĩ nhân mới nghĩ được thế. Vĩ nhân mới có tư tưởng. Trong nghề viết, nghề diễn, không có tư tưởng là vứt”.

Tôi đã được xem anh diễn từ năm 1970 ở một trong những thánh đường của giới biểu diễn là Nhà hát Lớn. Rồi khi anh trở thành đạo diễn, thành tác giả, tôi thấy ở anh những điều mình thích. Sau này, khi gặp anh, đã gần nhau rồi, tôi mới kể cho anh về bài báo Lửa lạnh hay Hà Mi của ai? một thời người ta phê anh, anh cười “mày cũng đọc những thứ đó à? Anh cũng đọc, đọc kỹ nữa”. Rồi lại cười “nó thế đấy. Kệ, nếu chỉ vì những thứ người ta phê phán, cấm đoán mà anh từ bỏ thì đã không có anh ngày hôm nay rồi. Bây giờ người ta vẫn phê anh đấy chứ nhưng phê là việc của họ, làm việc và theo đuổi điều mình cho là đúng là việc của anh. Chả biết đúng sai thế nào vì ở ta có không ít chuyện sáng đúng, chiều sai nên anh không bận tâm lắm. Có đứa mấy năm trước còn chửi anh, mấy năm sau lại gặp anh xin thông cảm. Anh bảo tôi có nhớ gì đâu. Thế để còn sống, em ạ”. Qua những câu chuyện bất chợt, chả nhằm để tô vẽ gì cho mình, chả để công kích ai, tôi hiểu thêm anh, hiểu thêm một quan niệm sống của anh. Sống như thế, như lời thầy tôi dạy, đó là chất của kẻ sĩ. Về phương diện này, anh Doãn Hoàng Giang là một kẻ sĩ đích thực.

Rồi cũng từ công việc, tôi luôn phát hiện ra những điều bất ngờ của anh. Anh dựng vở cho các nhà hát của Hà Nội và của khắp trong Nam, ngoài Bắc. Tôi kinh ngạc vì sức làm việc của anh. Cái mũ bò bất ly thân, mái tóc dài và dáng người rất bụi nhưng tâm hồn anh cực tinh tế và sức đọc của anh thật ghê gớm. Có lần, tranh cãi với anh một từ trong một vở kịch nổi tiếng, anh nhìn tôi vẻ ngạc nhiên “mày đọc ở đâu ra cái đó?”. Tôi nói tôi không nhớ ở đâu nhưng tôi chắc chắn điều tôi nói là đúng. Anh không nói gì thêm nhưng sau đó thì anh sửa lời thoại. Có người bảo anh dựng các đại cảnh thì hay nhưng dễ để lại những chỗ sạn vì anh ít khi chú ý đến những tiểu tiết. Tôi nói điều này với anh, anh bảo: “Đúng đấy. Anh chú ý tư tưởng của vở, đến hệ thống nên cũng có thể để lọt chi tiết. Mày phát hiện ra thì nhắc anh”. Tôi bảo: “Em chỉ là người xem, biết gì chuyện của anh mà đòi góp ý”. Anh nghiêm túc “không nói thế được em ạ. Làm nghề cần chú ý tất cả. Không biết hoặc để lọt thì đành chịu chứ không cẩu thả được”. Xem những vở anh làm trong thời gian tôi có dịp xem, tôi đã gọi anh là Mourinho trong sân khấu. Anh thẩm kịch bản, thay đổi điều này điều nọ và kịch bản dạo diễn của anh bao giờ cũng gọn gàng, chặt chẽ. Vở Oan khuất một thời dựa theo kịch bản của tác giả Vũ Hà, Những mặt người thấp thoáng của anh Xuân Đức hay Tình sử ngàn năm của anh Nguyễn Quang Lập và còn nhiều vở khác nữa khó dựng thế nhưng vào tay anh như lột xác, nhất quán, tập trung, chặt chẽ cao độ và khi xem vở cứ có cảm giác nó khó có thể dàn dựng theo cách khác. Anh Giang gần như thuộc từng lời thoại. Trên sân khấu diễn viên mà nói khác đi, anh phát hiện ra ngay. Tôi hỏi anh về điều này, anh bảo “cũng chả phải anh tài giỏi gì đâu mà làm lâu nó thành kỹ năng”. Anh nói thế nhưng tôi chưa tin hẳn. Anh phải thấm kịch bản đến tận cùng, đặt mình trong những tình huống ấy, nghiền ngẫm nhiều mới có thể đạt tới mức ấy. Mà có phải chỉ một vở đâu? Anh dựng hàng trăm vở, mỗi vở hàng chục nhân vật nhưng NSND Quốc Anh nói với tôi “lời thoại nào thầy cũng nhớ. Diễn viên mà lười, nhớ sai, thoại hỏng cả từ, cả tâm trạng thì chết với thầy”. Tôi nhớ mãi hôm anh Xuân Hanh hát cho tôi nghe mấy đoạn trong Oan khuất một thời, tôi phát khóc vì xúc động. Anh bảo “chưa ăn thua gì đâu. Mày xem đoạn uống rượu ở pháp trường còn kinh hơn nữa”. Quả thực trường đoạn Nguyễn Trãi uống bảy vò rượu trước khi lên đoạn đầu đài hoàng tráng và gây xúc cảm cho bất kỳ ai ngoài tài diễn xuất của NSND Quốc Anh có công rất lớn trong những lời thoại do anh soạn và đạo diễn tài tình của anh. Khi dựng Nguyễn Công Trứ, anh bảo “chuyến này anh sẽ cho cả sân khấu lên đồng bằng một đoạn hát văn chưa từng có”. Quả có thế. Anh bảo tôi “anh thích cụ Trứ ở cá tính, ở chất người, ở thái độ dám sống như mình muốn”. Còn nhiều chuyện với anh lắm mà chuyện nào cũng hay, chuyện nào cũng như những bài học.

Khi TP đề nghị chọn trong số các nghệ sĩ một người tiêu biểu để tôn vinh, chúng tôi đề nghị anh nhưng anh từ chối. Nói thế nào anh cũng bảo “anh rất nể chúng mày nhưng đừng. Đừng đưa anh lên. Anh không muốn. Anh chỉ làm công việc của mình. Để danh hiệu đó cho những người xứng đáng hơn”. Nghe anh nói, tôi lại thấy trong anh có bóng dáng của thầy tôi. Khi tôi đề nghị thầy khai lý lịch để nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân ông từ chối. Trước đề nghị gần như thỉnh cầu của tôi, ông bảo “danh hiệu không làm nên con người, Long đừng bắt mình khai”. Anh Doãn Hoàng Giang cũng nói điều tôi đã từng nghe và điều đó làm tôi càng yêu quý và kính trọng anh hơn.

Những đóng góp của anh cho nền sân khấu nước nhà rất lớn. Anh ra đi để lại một khoảng trống không người thay thế. Về tài năng và kinh nghiệm nghề nghiệp đã thế rồi nhưng với tư cách là một con người, anh cũng để lại nhiều trống vắng nhớ tiếc. Anh Doãn Hoàng Giang ơi!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần