KTĐT - Chi phí cho cuộc giải cứu ngành ngân hàng Anh sẽ lên tới gần 100 tỷ USD nếu cộng cả 9,4 tỷ USD mà Bộ Tài chính nước này phải bơm thêm cho Lloyds, một đại gia thất thế khác.
Nhằm giải cứu hai ngân hàng RBS và Lloyds khỏi nguy cơ phá sản, Chính phủ Anh quyết định chi gói cứu trợ kỷ lục gần 100 tỷ USD.
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling được đưa ra hôm 3/11, Chính phủ nước này quyết định bơm cho Royal Bank of Scotland (RBS) tổng lượng vốn cứu trợ lên tới 88 tỷ USD, thay vì mức 48 tỷ được dự kiến cách đây vài ngày.
Chi phí cho cuộc giải cứu ngành ngân hàng Anh sẽ lên tới gần 100 tỷ USD nếu cộng cả 9,4 tỷ USD mà Bộ Tài chính nước này phải bơm thêm cho Lloyds, một đại gia thất thế khác.
Theo tính toán của tờ Telegraph, khoản cứu trợ này cũng nâng tổng số tiền được Chính phủ Anh chi cho ngành ngân hàng kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chính thức diễn ra tới mức 122 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi người đóng thuế tại Anh phải gánh hơn 7.000 USD.
Về khoảng tiền 88 tỷ USD chi cho RBS, Chính phủ Anh dành 33 tỷ USD để quốc hữu hóa một phần ngân hàng này, 13 tỷ USD để dự phòng rủi ro và phần còn lại để thanh toán các món nợ xấu hiện có của ngân hàng gần 300 tuổi này. Đổi lại, Chính phủ Anh sẽ sở hữu khoảng 84% tổng tài sản hơn 412 tỷ USD của RBS, bao gồm cả các khoản cho vay.
Theo yêu cầu của Ủy ban Thương mại châu Âu, sau khi nhận được cứu trợ, RBS và Lloyds sẽ phải chia nhỏ hoạt động, bán bớt một số chi nhánh… Cũng theo tờ Telegraph, Chính phủ Anh muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng an toàn và thân thiện hơn với khách hàng. Phần lớn lợi nhuận từ hoạt động của RBS và Lloyds trong thời gian tới sẽ được nộp vào ngân sách thay vì chảy vào túi các quan chức ngân hàng.