Anh thương binh mất mắt trái, cưa 1/3 chân vẫn hiến máu nhân đạo 52 lần

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bị thương tỉ lệ 84% (thương binh hạng 1/4), mất mắt trái, cưa 1/3 chân trái, khắp cơ thể đầy vết sẹo do mảnh mìn, nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ khi về với đời thường, nghe vận động hiến máu nhân đạo để cứu người, ông đã hiến đến 52 lần.

Làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia

Đó là ông Phạm Sơn (SN 1966, thương binh 1/4, ngụ nhà 136/54E Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Một chiều cuối tháng 8/2024, tôi tìm đến nhà ông Sơn trong con hẻm ngoằn ngoèo. Ông Tám, người hàng xóm của ông Sơn cho biết ông Sơn hiện chạy xe ôm.

Ông Phạm Sơn (thứ 2 từ phải sang) nhận quà của Thành ủy TP Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Ảnh: Tân Tiến.
Ông Phạm Sơn (thứ 2 từ phải sang) nhận quà của Thành ủy TP Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Ảnh: Tân Tiến.

Trong lúc uống cà phê, ông Tám nói: số ông Sơn khổ, thương tật đầy mình, chân cẳng đi cà nhắc, chỉ còn một mắt, vậy mà mấy chục năm nay phải nuôi 2 người em bị tâm thần (1 trai, 1 gái). Vài năm trước, em trai Sơn vì uống rượu nhiều quá dẫn đến loạn thần, đi cấp cứu rồi theo ông bà; còn em gái sinh năm 1975 vẫn đang được Sơn nuôi…

Tiếp tôi trong căn nhà có diện tích trên 20m2, ông Sơn kể: năm 1985, ông tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia để đánh bè lũ diệt chủng Pol Pốt–Ieng Sary. Trải qua nhiều trận đánh ở các chiến trường Campuchia, đến cuối năm 1987, trong trận đánh cứ điểm của địch, mặc dù việc dò và gỡ mìn đã được các đơn vị thực hiện từ trước trận đánh, nhưng vẫn còn sót nên ông Sơn dẫm phải và bị thương.

“Lúc đó, tôi là Tiểu đội trưởng, từng được học sơ qua cách dò và gỡ mìn, nên lãnh trách nhiệm thực hiện việc này. Quả mìn chôn không sâu lắm, tôi gỡ được, nghĩ đã hết nên đứng lên nơi vừa gỡ thì một tiếng nổ đinh tai, hất tung tôi lên. Khi tỉnh dậy trong trạm xá, tôi mới biết mình mất vĩnh viễn con mắt trái, quân y đã cưa 1/3 chân trái, khắp thân thể lỗ chỗ mảnh mìn găm vào. Sau này tôi mới hiểu lý do đã gỡ một quả nhưng vẫn còn mìn, vì bọn Pol Pốt chôn đến 2 quả mìn sát nhau trong một lỗ”, ông Phạm Sơn kể lại.

Ông Phạm Sơn tại Nhà tình nghĩa hơn 20m2, được Nhà nước cấp. Ảnh: Tân Tiến.  
Ông Phạm Sơn tại Nhà tình nghĩa hơn 20m2, được Nhà nước cấp. Ảnh: Tân Tiến.  

Năm 1988, ông Sơn được đưa về nước chữa trị. Thời điểm này, gia đình ông Sơn quá nghèo, cả nhà phải ở tạm bợ bên phường 7, quận 3. Vì vậy, Nhà nước đã dùng căn biệt thự cũ của người vượt biên nằm trong hẻm 136 Trần Quang Diệu (phường 14, quận 3), chia ra nhiều phần để xây 7 căn Nhà tình nghĩa cấp cho 2 gia đình liệt sĩ và 5 gia đình thương binh. Trong số này, có ông Sơn được diện tích hơn 20m2, và được chính quyền xây cho một căn để đưa cha, mẹ cùng các em ruột về ở"

Thương binh hạng nặng, vẫn hiến máu cứu người

Sau thời gian điều trị, khi sức khỏe bình phục ông Sơn về địa phương tham gia Hội Cựu Chiến binh (CCB) phường 14, quận 3, làm Chi hội trưởng CCB khu phố một thời gian. Sau đó, do mỗi lần tới nhà hội viên để vận động phong trào, vì đi đứng chậm chạp, dẫn đến e ngại nên ông Sơn xin nghỉ.

Khi tôi hỏi về thành tích hiến máu nhân đạo (HMNĐ) cứu người, mà Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã ghi nhận? Ông Sơn nói: “Tôi chỉ là hạt cát trong sa mạc. Vì ở TP Hồ Chí Minh còn có nhiều người HMNĐ hơn 100 lần. Năm 1995, phong trào HMNĐ phát động tại TP, tôi nghĩ bản thân mình đã tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế, dù bị thương nhưng vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác là chưa hy sinh, nên việc HMNĐ để cứu người là quá bình thường, nên tôi bắt đầu hiến máu”.

Ông Phạm Sơn - Thương binh 1/4, vẫn HMNĐ đến 52 lần. Ảnh: Tân Tiến.
Ông Phạm Sơn - Thương binh 1/4, vẫn HMNĐ đến 52 lần. Ảnh: Tân Tiến.

Từ năm 1995 đến năm 2022, ông Sơn đã HMNĐ 52 lần, mỗi năm 1 lần hoặc 2 lần (đầu năm và cuối năm) tùy theo sức khỏe. Từ năm 2022 trở lại đây, ông Sơn vẫn tình nguyện HMNĐ, nhưng không được bác sĩ tiếp nhận với lý do huyết áp cao.

Nhìn trên bức tường nhà ông Sơn, tôi hỏi vì sao ông không treo bất cứ Huân chương, Huy chương hoặc Kỷ niệm chương hay bằng khen? Ông Sơn bộc bạch: “Nhà tôi nhỏ thế này không đủ chỗ để ngủ, nói gì đến chỗ để treo bằng khen. Vì vậy tôi cất giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương vào thùng giấy”.

Mới đây, trong loạt sự kiện của chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 23-25/8, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Thành ủy TP Hà Nội đã thăm, tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công tiêu biểu đang sống tại TP Hồ Chí Minh, trong đó ông Phạm Sơn là 1 trong 70 người tham gia chương trình.

Hiện nay, ông Phạm Sơn hành nghề xe ôm, thu nhập không ổn định, nhưng vẫn hàng ngày nuôi em gái (SN 1975) bị tâm thần. Ông Sơn hưởng trợ cấp xã hội 720.000 đồng/tháng; hưởng trợ cấp thương binh 6.563.000 đồng/tháng; trợ cấp người phục vụ 2.055.000 đồng/tháng.