- Thực tế, Hà Nội đang rất thiếu những không gian xanh, trong lành để đi bộ. Thế nên, phố đi bộ quanh Hồ Gươm là một không gian đáng quý, bởi nơi đây vẫn còn đầy những di tích văn hóa, lịch sử và danh thắng. Quyết định của UBND TP đã giúp tôn lên vẻ đẹp của những di tích, danh thắng ấy và mở ra cơ hội cho mọi người được cảm nhận và hưởng thụ sâu hơn giá trị hơn ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Xung quanh Hồ Gươm, TP cũng đã tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ ngoài trời, cả truyền thống lẫn hiện đại và các trò chơi dân gian… tất cả mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm lý thú. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy những bất cập mà Hà Nội cần quan tâm khắc phục.
Đó là những “điểm trừ” nào, thưa ông?
- Tôi thấy TP cần tăng cường quản lý, sắp xếp nơi để xe, quản lý chuyện tự ý tăng giá gửi xe vào ban đêm. Tình trạng vứt rác bừa bãi đã được cải thiện sau khi TP bổ sung 50 thùng rác, nhưng người dân vẫn cần ý thức hơn. Khu vực kem Thủy Tạ, kem Tràng Tiền khách vẫn xả rác gây mất mĩ quan. Bên cạnh đó, những hình thức vui chơi, giải trí ngoài trời hơi đơn điệu, thiếu điểm nhấn. Có thể thêm những trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đánh đu, đi cầu thăng bằng… Đây là các trò không đòi hỏi sắp xếp cầu kỳ và dễ thực hiện mà du khách lại thích. Ngay cả những hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng cần đa dạng hơn. Về biểu diễn nghệ thuật truyền thống, ngoài huy động các đoàn ở Hà Nội, có thể mời các tỉnh, TP khác cùng tham gia. Cùng với đó, phố đi bộ còn thiếu những nhóm ảo thuật đường phố, nhảy hiphop. Và chúng ta cũng nên có không gian sắp đặt khu bán những món quà vặt đặc sắc của Hà Nội như cốm, sấu chín dầm, chè hạt sen… và sắp đặt thêm những xe kéo, những tiểu cảnh để khách chụp ảnh.
Như ông nói, dường như phố đi bộ quanh Hồ Gươm vẫn còn thiếu một điểm nhấn?
- Tôi đề xuất biến phố đi bộ mở rộng quanh Hồ Gươm dịp cuối tuần thành không gian mặc áo dài. Chính người dân và du khách khi mặc áo dài cũng sẽ góp phần điểm tô cho không gian quanh Hồ Gươm. Sở dĩ tôi có ý tưởng như vậy là vì chúng ta vẫn thường lấy hình ảnh Hồ Gươm với những người phụ nữ mặc áo dài, đội nón lá đi quảng bá du lịch Hà Nội và Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, khách du lịch đến Hà Nội và Việt Nam lại rất ít khi thấy người dân diện áo dài.
Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng đó không dễ, thưa ông?
- Tôi nghĩ ngược lại. Được biết, từ 14 - 16/10, TP tổ chức Festival Áo dài Hà Nội lần thứ nhất, chúng ta nên nhân dịp này phát động phong trào mặc áo dài đến phố đi bộ. Trước tiên, kêu gọi học sinh, sinh viên tại các trường tại Hà Nội, cuối tuần mặc áo dài đến khu vực Hồ Gươm, từ đó sẽ lan tỏa tới người dân và du khách. TP có thể khuyến khích bằng cách miễn phí vé vào cửa tại những điểm di tích, danh thắng quanh Hồ Gươm cho những ai mặc áo dài tới đây, hoặc kích cầu bằng cách tặng voucher mua đồ uống... Tôi đã đi khảo sát thực tế và thấy trên phố đi bộ cần có những khung giờ trình diễn áo dài của các nhà thiết kế. Có thể trình diễn ở đoạn từ nhà 87 Mã Mây đến đền Bạch Mã; từ cầu Thê Húc đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; hoặc từ cầu Thê Húc đến tượng đài Lý Thái Tổ.
Du khách nước ngoài trong trang phục áo dài truyền thống của Việt |
Khi đến khu vực Hồ Gươm, du khách thấy cả một không gian tràn ngập áo dài, họ sẽ chụp ảnh, đưa lên trang cá nhân, mạng xã hội, thậm chí báo chí nước ngoài… Đây là cách quảng bá du lịch hữu hiệu nhất mà không mất bất kỳ chi phí nào. Mặt khác, những hộ kinh doanh ở quanh phố đi bộ có thể mở dịch vụ cho thuê áo dài, bởi nhiều người không tiện mang áo dài, hay du khách nước ngoài có thể thuê để mặc nếu chi phí hợp lý. Hà Nội là Thủ đô văn minh, thanh lịch, việc người dân mặc áo dài cũng sẽ góp phần nói lên điều đó. Nếu phát động được phong trào này, Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong việc khôi phục nét đẹp văn hóa mặc áo dài. Đồng thời, góp phần quảng bá du lịch một cách hữu hiệu. Sau khi đi qua nhiều quốc gia, tôi nhận thấy chỉ có sự khác biệt mới đủ sức thu hút du khách, và phong trào mặc áo dài tại khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm chính là sự khác biệt đó.
Xin cảm ơn ông!