Áo sẽ từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Năng lượng Áo, tính đến tháng 12/2023, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đã tăng lên 98%.

Vào tháng 12/2023, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đã tăng lên mức kỷ lục mới là 98%. Ảnh: RT
Vào tháng 12/2023, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đã tăng lên mức kỷ lục mới là 98%. Ảnh: RT

Chính phủ Áo đặt mục tiêu ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga vào năm 2027, Ngoại trưởng Alexander Schallenberg cho biết trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hôm 15/3.

Ngoại trưởng Schallenberg nêu rõ: “Áo đang nỗ lực thực hiện mục tiêu độc lập 100% với khí đốt của Nga vào năm 2027”.

Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler kêu gọi thực hiện các bước đi triệt để nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga, bao gồm cả việc phá vỡ thỏa thuận dài hạn mà công ty năng lượng nhà nước OMV ký với tập đoàn Gazprom của Nga cho đến năm 2040.

Theo bà Gewessler, vào tháng 12/2023, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đã tăng lên mức kỷ lục mới là 98%, từ mức 79% vào tháng 2/2022.

Tập đoàn OMV cho biết, họ sẵn sàng tìm nguồn cung khác thay thế khí đốt Nga để phục vụ nhu cầu trong nước trong dài hạn, nhưng để từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga, trước tiên phải phát triển một khung pháp lý phù hợp.

Thoát khỏi khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc sẽ phá vỡ hợp đồng với Gazprom mà tập đoàn OMV đã ký vào năm 2018 để cung cấp gần như toàn bộ nhu cầu khí đốt của Áo, kéo dài đến năm 2040.

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt từ quốc gia bị trừng phạt này - đặc biệt là Áo và Hungary.

Năm 2023, trong khi hầu hết các nước thuộc EU cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thì Áo đã tăng cường mua khí đốt của Nga.