Tờ Financial Times đưa tin, 4 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nói trên cảnh báo rằng họ có thể bị buộc phải tăng nhập khẩu khí đốt Nga vì khoản thuế của Đức đánh vào nguồn cung năng lượng qua biên giới nước này. Cảnh báo mới nhất đang làm khó nỗ lực nhằm sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga của EU.
Bốn quốc gia EU vẫn nhận được khối lượng khí đốt đáng kể từ Moscow, bất chấp việc châu Âu tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine 2 năm trước.
Sau khi Nga giảm mạnh dòng chảy khí đốt sang châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU, giá khí đốt ở khu vực này đã tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 300 euro mỗi megawatt giờ vào tháng 8/2022. Vào thời điểm đó, Đức đã áp đặt thuế quá cảnh để trang trải chi phí dự trữ khí đốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong mùa đông.
Tuy nhiên, các nước thành viên miền trung và miền đông EU cho rằng mức thuế này đã làm tổn hại đến nỗ lực mua khí đốt từ các nước láng giềng Tây Âu.
Theo Financial Times, Vienna, Prague, Budapest và Bratislava phàn nàn rằng mức thuế của chính quyền Berlin khiến các quốc gia thành viên ở khu vực này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn khí đốt từ Tây Âu.
Các nước này cho biết: “Mức thuế quá cảnh của Đức có thể buộc một số quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, điều này sẽ làm tăng sự phụ thuộc về địa chính trị vào Moscow và làm suy yếu mọi nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng của khối”.
Thuế quá cảnh của Đức hiện ở mức 1,86 euro/MWh, tương đương khoảng 1/10 giá khí đốt tiêu chuẩn hiện tại của châu Âu.
Các quan chức EU tiết lộ, khối này đang đánh giá mức thuế trên trong bối cảnh lo ngại các nước khác cũng sẽ có bước đi tương tự. Theo đó, Italia đang xem xét áp dụng biện pháp áp thuế vào đầu năm nay.
Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Czech Jozef Síkela cho rằng các nước EU không nên “cho phép bất kỳ hành động nào cản trở nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow bằng cách đưa ra các khoản phí có lợi cho việc nhập khẩu khí đốt Nga”.
Khiếu nại được bộ tứ EU đưa ra vào thời điểm khối này đang tìm cách cắt giảm toàn bộ lượng nhập khẩu khí đốt của Nga. Theo Ủy ban châu Âu, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, khí đốt do Moscow cung cấp chiếm 40% nguồn cung của EU, đến nay tỷ lệ đã giảm xuống còn 8%.
Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler tuần trước cho biết Vienna đang cân nhắc các phương án chấm dứt sớm hợp đồng mua khí đốt với Nga, vốn kéo dài đến năm 2040.
Theo các quan chức EU, Brussels cũng sẽ đề xuất gia hạn mục tiêu cắt giảm nhu cầu khí đốt trước cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 4/3 tới.
Đức đã trở thành khách hàng lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hiện đóng vai trò là cửa ngõ nhập khẩu cho các nước châu Âu khác. LNG từ các quốc gia như Mỹ và Qatar được coi là “chìa khóa” để giảm sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga.
Tuy nhiên, nguồn cung LNG của Nga qua đường biển vào EU cũng tăng mạnh.