Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow, EU chuẩn bị “phương án B” nếu Ukraine dừng trung chuyển khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả Nga và Liên minh châu Âu đều lên kế hoạch đối phó kịch bản Kiev không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Moscow khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm nay.

Thỏa thuận hiện tại giữa Moscow và Kiev về việc vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Ảnh: Ccbs.news
Thỏa thuận hiện tại giữa Moscow và Kiev về việc vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Ảnh: Ccbs.news

Nga sẽ sử dụng các tuyến đường ống dẫn khí và cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển để thay thế trong trường hợp Ukraine không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Thỏa thuận hiện tại giữa Moscow và Kiev về việc vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu được ký từ năm 2019 và sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 26/1, ông Peskov thông báo, chuỗi hậu cần để xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ được cải tổ nếu thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine không được gia hạn.

Trước đó, truyền thông quốc tế dẫn thông tin từ chính phủ Ukraine cho biết, Kiev chưa xem xét tiến hành các cuộc đàm phán mới với Moscow về khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt.

Đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine từng là tuyến đường xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, việc vận chuyển khí đốt qua Kiev giảm dần sau khi Moscow xây dựng đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc) ở Baltic và đường ống TurkStream ở Biển Đen. Đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức hiện đã dừng hoạt động sau khi bị  phá hoại vào tháng 9/2022. Trong khi đó, đường ống TurkStream đưa khí đốt Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hoạt động.

Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu cũng giảm mạnh kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine. Vị trí nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu của Nga hiện thuộc về Na Uy.

Trong một diễn biến liên quan, Bloomberg dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch đối phó với khả năng thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga không được gia hạn vào cuối năm nay.

Nguồn tin cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) lập luận rằng, ngay cả những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga - bao gồm Áo và Slovakia - cũng có thể tìm được nguồn cung thay thế trong trường hợp bị cắt.

EC đã tiến hành phân tích sơ bộ về các kịch bản tiềm tàng khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine bị dừng hoàn toàn, bao gồm việc lập mô hình về năng lực của các tuyến kết nối khác, như đường ống TurkStream, để bù đắp nguồn cung bị mất.

Theo kế hoạch, EC sẽ thảo luận vấn đề này với các nước thành viên vào tháng 2 trước khi chính thức trình bày kế hoạch này với các bộ trưởng năng lượng EU trong cuộc họp ở Brussels vào ngày 4/3 tới.

Một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg rằng vẫn còn giải pháp để các quốc gia và công ty EU đã ký hợp đồng vẫn nhận được nguồn cung khí đốt của Nga qua Ukraine sau năm 2024.

Một trong số các phương án là Nga sẽ cung cấp khí đốt đến biên giới Ukraine, sau đó một cơ quan của EU sẽ thỏa thuận với nhà điều hành hệ thống truyền tải của Kiev để vận chuyển khí đốt đến Áo, Slovakia hoặc Cộng hòa Czech - 3 quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung từ Nga.

Châu Âu hiện vẫn nhận khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu cũng đã thành công trong việc bù đắp nguồn cung khí đốt của Nga sau khi đường ống Nord Stream dừng hoạt động. Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu, chỉ xếp sau Mỹ.

Ukraine vẫn là tuyến đường dẫn khí đốt quan trọng của EU dù lưu lượng vận chuyển thực tế đã giảm hơn 40% so với hợp đồng trung chuyển giữa Kiev và Moscow kể từ tháng 5/2022.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects nhận định, ngay cả khi không đạt được thỏa thuận mới về trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine, nhiều khả năng tập đoàn Gazprom sẽ duy trì cung cấp cho các khách hàng EU bằng cách đăng ký công suất ngắn hạn ở Ukraine. Theo phương án này, công ty Nga có thể triển khai thông qua đấu giá công suất.