Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia EU có thể mất toàn bộ nguồn cung khí đốt từ Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ OMV của Áo cảnh báo, hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga đến Áo qua lãnh thổ Ukraine có thể bị tạm dừng trong thời gian tới.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev có hiệu lực đến cuối năm 2024. Ảnh: RT
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev có hiệu lực đến cuối năm 2024. Ảnh: RT

Theo đài RT, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng OMV Alfred Stern cho biết, đang có nguy cơ dòng chảy khí đốt cuối cùng của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị dừng hoạt động.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Die Presse tuần này, CEO của OMV nêu mối lo ngại về hoạt động vận chuyển khí đốt quá cảnh qua một quốc gia đang trong vùng chiến sự.

Theo lãnh đạo tập đoàn năng lượng Áo, giới chức EU đang hoài nghi việc hợp đồng quá cảnh khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ được gia hạn. Tuy nhiên, ông Stern cũng lên tiếng trấn an người tiêu dùng trong nước khi khẳng định Vienna đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh năng lượng dù Áo vẫn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga.

Hợp đồng vận chuyển khí đốt 5 năm hiện tại giữa Nga và Ukraine do EU làm trung gian đã được ký vào năm 2019, chỉ 24 giờ khi thỏa thuận trước đó hết hạn.

Theo thỏa thuận, tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga đã đồng ý vận chuyển 65 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine vào năm 2020 và 40 tỷ mét khối khí đốt hàng năm từ năm 2021 đến năm 2024.

Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển khí đốt trên thực tế thấp hơn nhiều. Nguyên nhân là do Ukraine đóng cửa trạm bơm chính Sokhranovka vào tháng 5/2022. Kiev đã đóng cửa cơ sở xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga chảy qua nước này tới EU với lý do “có sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng”.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev có hiệu lực đến cuối năm 2024. Theo các quan chức Ukraine, cơ hội để đàm phán một thỏa thuận mới là rất mong manh.

Trước đó, hồi tháng 9/2023, Nga và Ukraine đã không thành công trong việc đạt một thỏa thuận trung chuyển khí đốt mới tới châu Âu. Tuy nhiên, hai bên cho biết các cuộc đối thoại diễn ra tích cực và sẽ có cuộc gặp lại để cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận trước khi thỏa thuận hiện nay hết hạn.

Vào tháng 11 năm ngoái, Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishina cam kết, khí đốt Nga vẫn sẽ chảy qua Ukraine đến Áo ngay cả khi hợp đồng vận chuyển hiện tại giữa Moscow và Kiev không được gia hạn.

OMV hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của Áo. Đáng chú ý, đây cũng là một trong những công ty đầu tiên đồng ý thanh toán hợp đồng mua khí đốt Nga bằng đồng ruble theo cơ chế mới mà Moscow đưa ra đối với “các quốc gia không thân thiện” khi áp lệnh trừng phạt với nước này.

Theo CEO của OMV, việc từ bỏ khí đốt Nga là điều không thể đối với Áo và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng của nước này.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Die Presse, ông Stern khẳng định OMV sẽ tuân thủ hợp đồng khí đốt dài hạn với Gazprom và không có kế hoạch sớm rút khỏi thỏa thuận. Hợp đồng giữa OMV và Gazprom được ký vào năm 2018 và có thời hạn đến năm 2040.

Tình trạng khủng hoảng năng lượng tại EU đã được ngăn chặn vào mùa Đông năm ngoái, sau nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp mới, tăng lượng dự trữ và thực hiện các sáng kiến nhằm tiết kiệm khí đốt. Dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU giảm mạnh do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine từ tháng 2/2022.

Nghiên cứu do hãng Moody's công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy EU có trữ lượng khí đốt cao kỷ lục khoảng 97,5% vào cuối tháng 11/2023, có nghĩa là nguy cơ thiếu năng lượng rất thấp trong mùa Đông này và vị thế vững chắc cho mùa Đông tiếp theo.

Mặc dù nguồn cung ổn định trong ngắn hạn, nhưng vẫn còn lo ngại về khả năng dự trữ khí đốt của châu Âu trong những năm tới, vì dự trữ có thể giảm nhanh chóng trong trường hợp thời tiết diễn biến khắc nghiệt.

Moody’s dự đoán lượng dự trữ khí đốt sẽ cao hơn dự đoán trước đó là 55% vào cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy “giá khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn ở mức cao và không ổn định”.

Moody's cho biết giá khí đốt sẽ tiếp tục biến động chủ yếu do "rủi ro địa chính trị gia tăng, phản ánh tính dễ bị tổn thương nội tại trước sự gián đoạn nguồn cung".