Dành thủ tục đặc biệt cho dự án đầu tư công nghệ cao
Vấn đề mới này được nêu trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Trong đó, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Thứ hai là bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Trong Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam và thích ứng với sự thay đổi của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Thứ ba, vấn đề mới nhất được đề xuất bổ sung vào Luật Đầu tư là thủ tục đầu tư đặc biệt dành cho các dự án công nghệ cao (trung tâm nghiên cứu và phát triển; vi mạch bán dẫn, chip, pin công nghệ mới), đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
Về thủ tục đầu tư đặc biệt đề xuất gửi cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, dự án đầu tư đăng ký theo thủ tục đặc biệt thì không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Tầm phát triển của khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)
Tại Hà Nội, theo ông Lê Thanh Sơn - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được phê duyệt tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với quy mô diện tích 1.650 ha và đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 năm 2008 tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008, lần 2 năm 2016 tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016).
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, diện tích toàn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 1.586 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai với quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người.
Ông Lê Thanh Sơn cho biết, đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được một số trường đại học lớn (Đại học FPT, Đại học KH&CN Hà Nội, một hợp phần của Đại học Việt-Nhật, Đại học Văn Lang). Hiện tại, đã có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao đang làm việc trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có hơn 5.000 nhân lực công nghệ thông tin (chiếm khoảng 50%).
Đến nay, tổng số dự án đã được cấp phép trong Khu R&D là 22 dự án, trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động với nhiều dự án hoạt động trên cả 4 lĩnh vực công nghệ cao là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Tính trên cả Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đã nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã, làm chủ và phát triển 52 nhóm công nghệ cao, 47 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 và Quyết định số 01/2021/QĐ-TTg ngày 29/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau năm 2030, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1”; tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.
UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc 2030. Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại. Đến năm 2030 đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.