Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực bán tăng mạnh đẩy chứng khoán châu Á xuống đáy 4 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các cổ phiếu tại thị trường châu Á đều giảm mạnh trong phiên 24/5 do nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro khi xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Cùng với đà giảm mạnh của giá dầu thô thế giới, thị trường chứng khoán châu Á cũng lao dốc chạm mức thấp nhất trong 4 tháng khi gia tăng lo ngại thương mại Mỹ-Trung đang phát triển thành một cuộc tranh chấp chiến lược dai dẳng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 0,2%, chạm đáy trong 4 tháng mới và sắp chứng kiến mức giảm điểm tuần thứ 3 liên tiếp, sụt 1,0% trong tuần này.
 Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên 24/5.
Tuy nhiên, các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhẹ, với chỉ số chuẩn Shanghai Composite tăng 0,2% và blue-chip CSI 300 nhích 0,3%, trong khi Hang Seng của Hồng Kông tăng  0,2%.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 0,7% trong phiên sáng 24/5.
Thị trường Phố Wall giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/5, khi giới đầu tư bán tháo cổ phiếu vì mối lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc đưa ra ngày 23/5 khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh nói Washington phải "sửa sai" trong vấn đề trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei thì đàm phán thương mại mới có thể tiếp tục.
Song song với việc bán tháo cổ phiếu, nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Mặc dù các chỉ số thu hẹp đà lao dốc ở cuối phiên giao dịch, nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên với mức sụt hơn 1%.
"Khả năng sớm đạt một giải pháp cho chiến tranh thương mại ngày càng giảm đi, và thị trường rõ ràng là đang hoảng sợ vì điều đó", nhà quản lý danh mục Lamar Villere thuộc Villere & Co đánh giá.
Cổ phiếu công nghệ và công nghiệp, hai nhóm chịu tác động nhiều nhất từ các thông tin thương mại, giảm lần lượt 1,7% và 1,6%. Các nhóm tài chính và năng lượng cũng sụt giảm, trong đó nhóm năng lượng hạ 3,1% do giá dầu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu thêm bi quan trong phiên này là dữ liệu từ công ty nghiên cứu IHS Markit cho thấy ngành sản xuất của Mỹ yếu đi trong tháng 5, với số đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009.
"Thị trường sẽ đi xuống cho tới khi có một giải pháp đối với những gì đang xảy ra với Trung Quốc", nhà quản lý Jamie Fox thuộc Harris Financial Group nhận xét. "Nếu bạn là một nhà đầu tư, sẽ là một ý tưởng không tồi nếu bạn đứng ngoài thị trường và chờ".
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 1,11%, còn 25.490,47 điểm. S&P 500 giảm 1,19%, còn 2.822,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,58%, còn 7.628,28 điểm.
 Thị trường Phố Wall cũng giảm điểm trong phiên 23/5.
Áp lực bán đã gia tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 5, sau khi Washington và Bắc Kinh có những đòn "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan mới và những động thái trừng phạt khác nhằm vào đối phương. Tháng này nhiều khả năng sẽ trở thành tháng giảm điểm đầu tiên của chỉ số kể từ sau đợt bán tháo vào tháng 12 năm ngoái.
Chiến lược gia tài sản chéo Masanari Takada tại Nomura Securities ở Tokyo cho biết: “Cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực ra chưa làm sứt mẻ hoàn toàn tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, vì vậy hiện chưa có sự hoảng loạn nào. Tuy nhiên, hiện tâm lý lạc quan đối với thị trường cổ phiếu đang ở mức rất thấp”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiềng chủ chốt khác, ổn định ở mức 97,872 điểm sau khi tăng mạnh lên 98,371 điểm trong phiên trước đó./.