KTĐT - Suy thoái kép có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế của Chính phủ Anh, do các kế hoạch tài chính của nước này được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP ở mức 1,1% trong nửa đầu năm nay.
Trong lúc nỗi lo về kinh tế thế giới năm 2010 còn chưa qua, thế giới tuần qua lại dồn dập những dự báo kém lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm tới và các cụm từ “phục hồi mong manh”, “suy thoái kép”, “tăng trưởng yếu”... lại xuất hiện với tần suất dày đặc.
Suy thoái trở lại
Theo tờ Guardian của Anh, sự lạc quan của lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn nhất xứ sở sương mù đã giảm mạnh trong quý 3 xuống mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi. Trong đó, 34% số người được hỏi tin rằng, kinh tế Anh sẽ suy thoái trở lại.
Báo trên cho hay, giới lãnh đạo này có tâm trạng bi quan tương tự như khi suy thoái kinh tế đang ở thời điểm cao trào vào mùa xuân năm ngoái. Số người tỏ ra lạc quan giảm mạnh, xuống còn 16% so với mức 23% trong cuộc điều tra trước đây.
Công ty tư vấn doanh nghiệp và kế toán (BDO) cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ ngừng tăng trưởng vào đầu năm tới và sẽ giảm trong quý 2/2011. Chỉ số lạc quan của BDO giảm từ 93,1% trong tháng 8 xuống còn 91,6% trong tháng 9, thấp nhất kể từ tháng 5/2009 tới nay.
Suy thoái kép có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế của Chính phủ Anh, do các kế hoạch tài chính của nước này được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP ở mức 1,1% trong nửa đầu năm nay.
Tăng trưởng yếu
Theo điều tra của Hiệp hội kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE), nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong năm nay và năm 2011, trong khi nợ công vẫn là mối quan ngại lớn nhất.
Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2010 và 2011 sẽ giảm 0,6% so với dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng 5. Các nhà kinh tế khẳng định, dù Mỹ có thể sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới vào cuối năm sau, song vẫn chưa đủ mạnh để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 9,2%.
Ngoài ra, kết quả khảo sát của NABE còn cho thấy giá nhà đất sẽ không tăng nhiều và thâm hụt ngân sách liên bang đang ở mức kỷ lục sẽ không giảm. Cụ thể, thâm hụt ngân sách liên bang trong tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 30/9/2011) sẽ chỉ giảm khoảng 1 tỷ USD và vẫn ở mức 1.200 tỷ USD, so với 1.420 tỷ USD tài khóa 2009 và khoảng 1.300 tỷ tài khóa 2010.
Liên quan đến chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 70% các hoạt động kinh tế của Mỹ, NABE cho biết mức chi này nhiều khả năng vẫn yếu trong năm 2011 do nhiều hộ gia đình vẫn duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng. Bên cạnh đó, thị trường địa ốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn và giá nhà đất sẽ không tăng nhiều trong năm 2011 do lạm phát.
Nguy cơ “bong bóng”
Hàng tỷ USD đã được đổ vào thị trường trái phiếu Brazil, bất động sản tại Trung Quốc và chứng khoán Ấn Độ, với hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn những thị trường truyền thống như New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh).
Viện Tài chính Quốc tế ước tính, khoảng 825 tỷ USD sẽ chảy vào các thị trường mới nổi trong năm nay, tăng 30% so với năm 2009. Rủi ro lớn nhất từ dòng tiền “nóng” này là nó có thể gây ra tình trạng bong bóng bất động sản và tăng giá tiền tệ, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu.
“Nếu dòng tiền mặt tiếp tục đổ vào một số thị trường đang phát triển, thì điều này sẽ trở nên rất khó kiểm soát”, Haruhiko Kuroda, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá.
Tuy nhiên, điều đáng ngại không chỉ nằm ở lượng vốn khổng lồ này, mà còn ở chất lượng đầu tư. Phần lớn dòng tiền “nóng” được dành cho các hoạt động đầu tư ngắn hạn hay cho vay ngân hàng. Vì vậy, nếu bất ngờ xảy ra những biến động tài chính, dòng tiền này có thể đảo chiều và khi đó “bong bóng” sẽ vỡ.
Phục hồi mong manh
Theo tờ The Economist, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế phần lớn các khu vực năm 2011 đều giảm so với năm nay. Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm từ 4,4% năm 2010 xuống còn 3,6% năm 2011 khi các gói kích thích tài chính hết hiệu lực.
Giới phân tích cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu có được là nhờ các gói kích thích tài chính vốn không bền vững. Giờ đây, hiệu quả của các gói kích thích này bắt đầu mờ nhạt dần và các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng Euro sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn trong năm 2011.
GDP của Mỹ dự kiến tăng 2,3% năm 2010, song sẽ giảm còn 1,5% năm 2011. Tại Nhật Bản, sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ xuất khẩu cuối năm 2009 và đầu năm 2010 giúp tăng trưởng GDP năm 2010 của Nhật Bản có thể đạt 3%. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ giảm xuống còn 1,3% trong 2 năm tới.
GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến đạt 1,4% năm 2010, song sẽ lại giảm xuống còn 0,8% vào năm tới. Trong khi, tăng trưởng ở châu Á sẽ chậm lại khi nhu cầu tại các nền kinh tế phát triển giảm. GDP của châu Á dự kiến tăng 7,9% năm 2010 và giảm xuống còn 6,6% năm 2011.