Nhưng khi giải đấu cận kề thì cũng là lúc người ta đặt câu hỏi: Bản lĩnh của Ban tổ chức (BTC) sẽ đến đâu trước những thách thức đang đến với lộ trình đi lên chuyên nghiệp của nền bóng đá?
Tiếp tục thỏa hiệp?
Trong cuộc hội thảo bóng đá chuyên nghiệp vừa được VPF tổ chức tại Hà Nội, một vấn đề nóng trong chương trình nghị sự là cấp phép CLB chuyên nghiệp. Có nghĩa là để được tham dự giải đấu, các đội bóng phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp. Từ mặt sân, phòng chức năng, khán đài, hệ thống đào tạo trẻ, chứng minh tài chính và kiểm toán thu - chi... đều phải được minh bạch. AFC và VFF đưa ra nhiều tiêu chuẩn nhằm đảm bảo các đội bóng ở Việt Nam phải hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết của bóng đá chuyên nghiệp.
Thế nhưng, quy định là vậy song mùa giải vừa qua, người ta không khỏi bức xúc khi nhiều sân vận động có mặt sân xấu, phòng chức năng không đủ, có thì ở dạng tồi tàn... Thậm chí có những sân vận động, cổ động viên đến xem phải mang thêm… báo kê chỗ ngồi, hoặc đi từ sớm vì sợ mất chỗ. Đó là chưa kể đến việc nhiều sân còn chẳng có nhà vệ sinh! Ấy vậy mà những sân bóng đó vẫn được cấp phép thi đấu. Đáng nói hơn, trước mỗi mùa giải, VPF đều cử các đoàn cán bộ đến kiểm tra điều kiện tổ chức thi đấu và dù không đủ tiêu chuẩn nhưng chẳng có áp lực nào buộc các đội bóng phải cải thiện hệ thống cơ sở vật chất.
Bây giờ, trước thềm mùa giải mới, người ta đặt câu hỏi: VPF có gây áp lực hoặc đưa ra những hành động kiên quyết nhằm buộc các đội bóng phải thay đổi hay bị loại khỏi cuộc chơi? Nếu tiếp tục thỏa hiệp, còn rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới hoàn thành được mục tiêu xây dựng sân chơi chuyên nghiệp một cách thực chất.
Không chỉ là đổi luật
Một trong những thay đổi quan trọng trước thềm mùa giải 2016 là BTC giải đã đưa ra quy định nhằm “trói” đội bóng phải có trách nhiệm đối với các hành vi chơi bóng thô bạo của cầu thủ do mình quản lý. Sở dĩ phải có thay đổi như vậy vì SLNA đã từng tuyên bố là đội bóng này không thể ứng tiền cho Quế Ngọc Hải đền bù do không có chế tài từ VFF.
Nay, sau rất nhiều chỉ trích từ vụ việc của Quế Ngọc Hải, VFF đã đưa ra những quy định cụ thể hơn. Ngoài việc buộc đội bóng phải liên đới chịu trách nhiệm, VFF cũng quy định về giới hạn số tiền mà người vi phạm phải đền bù là không vượt quá 15 tháng lương. Điều này nhằm tránh những tranh cãi về chi phí bồi hoàn do cầu thủ bị chấn thương có thể lựa chọn nước ngoài làm nơi chữa trị thay vì Việt Nam - nơi có chi phí rẻ hơn.
Việc VFF chuẩn hóa quy định về kỷ luật là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là việc các đội bóng phải quán triệt được tinh thần cao thượng cho cầu thủ của mình. Một khi các đội bóng hỗ trợ, cổ vũ cho hành vi chơi bóng thô bạo thì mọi án phạt đều không có tác dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ trọng tài và cả BTC giải cần có những quyết định nghiêm khắc. Bởi bất cứ sự châm chước nào cũng làm nảy sinh cơn bão bạo lực trên sân cỏ. Nói điều này là bởi, các trọng tài lâu nay thường sợ bị phản ứng mà nhẹ tay với bạo lực, BTC giải vì muốn tránh đối đầu mà đưa ra những án phạt mang tính xoa dịu hơn là trừng phạt người mắc lỗi. Và hệ quả là V.League thời gian vừa qua được ví là… vũ đài cho các võ sĩ tỷ thí võ thuật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|