Kinhtedothi - Nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam, việc áp thuế phòng vệ sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu phù hợp các quy định WTO và thông lệ quốc tế qua đó bảo vệ sản xuất trong nước.
Đó là khẳng định của Bộ Công Thương trong văn bản gửi các cơ quan báo chí về việc thực hiện điều tra, áp thuế tự vệ đối với phôi thép Trung Quốc nhập khẩu.
Giá thép tiếp tục đà tăng
Vào thời điểm cuối tháng 2/2016 giá thép trên thị trường khoảng 10 - 10,5 triệu đồng/tấn, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay giá thép tăng 500.000 - 600.000 đồng/tấn. Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, hiện giá thép cuộn Φ 6 - 8 bình quân 12,8 - 13,2 triệu đồng/tấn, thép cây Φ 16 - 18 từ 11,9 - 12,35 triệu đồng/tấn tăng thêm từ 500.000 - 800.000 đồng/tấn so với 2 ngày trước. Nhiều chủ kinh doanh sắt thép trên đường Đê La Thành dự báo: Đến đầu tháng 4, giá sắt, thép xây dựng có thể lên đến tới 14 triệu đồng/tấn.
Không chỉ vậy, tại nhiều website của các nhà máy sản xuất thép khu vực phía Bắc và phía Nam cho thấy, giá thép cuộn đang dao động ở mức 9,4 - 9,65 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, 9,4 - 9,75 triệu đồng/tấn đối với thép cây, tăng 700.000 - 800.000 đồng/tấn so với thời điểm trước khi Bộ Công Thương công bố quyết định áp thuế tự vệ đối với thép (ngày 7/3).
Giá thép trong nước liên tục tăng mạnh. Ảnh: Doãn Tấn
|
Theo các DN, nguyên nhân khiến giá thép tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng cao và giá nguyên liệu thép trên thế giới tăng. Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc thông qua tăng mức thuế nhập khẩu đối với phôi thép từ 10% lên 23,3%, thép cuộn và thép thanh từ 0 - 5% tăng lên 14,2% dẫn tới giá thành sản phẩm tăng là điều khó tránh khỏi. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180 - 185USD/tấn).
Có hay không việc găm hàng chờ tăng giá?
Mặc dù các DN sản xuất thép lấy cớ Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu khiến giá thép tăng nhưng thực tế cho thấy, đến ngày 22/3 thuế tự vệ mới có hiệu lực, hiện nay DN đang sản xuất bằng nguyên liệu đã được nhập khẩu trước đó. Điều đó cho thấy, các DN sản xuất thép đang găm hàng để trục lợi từ thuế tự vệ.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề Bộ Công Thương nâng thuế nhập khẩu mặt hàng thép có ảnh hưởng đến DN Việt Nam hay không, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA cho biết: Trong 2 tháng đầu năm 2016, sản lượng thép sản xuất trong nước đều vượt số lượng thép tiêu thụ, chưa kể lượng thép tồn kho trước đó. Cụ thể, trong tháng 1/2016, sản lượng thép sản xuất đạt hơn 600.000 tấn, tiêu thụ khoảng 550.000 tấn. Tương tự, trong tháng 2, sản lượng sản xuất khoảng 550.000 tấn, tiêu thụ chỉ hơn 500.000 tấn; Tính đến cuối tháng 2/2016, lượng thép tồn kho lên tới hơn 500.000 tấn. Điều đó cho thấy với năng lực sản xuất của DN, cộng với lượng tồn kho khá lớn, thị trường chắc chắn không thể thiếu thép, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép không có gì đột biến. Do đó, không có lý do gì để các nhà sản xuất thép tăng giá bán nếu không trục lợi từ thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương thừa nhận đang có hiện tượng DN găm hàng để trục lợi từ thuế tự vệ, tuy nhiên chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nhận định này được đưa ra khi mà thép đang tồn kho với số lượng lớn, đồng thời DN sản xuất thép mới chỉ hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế. "Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường, kịp thời thông báo cho Bộ. Nếu các DN thép lợi dụng vấn đề này để tăng giá làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người tiêu dùng là không thể chấp nhận được" - lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài là thực hiện theo thông lệ quốc tế nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam, qua đó bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam từng bước đầu tư xây dựng và phát triển ngành thép vững mạnh, không phải ngành thép gia công sản phẩm như một số DN nhỏ và vừa hiện đang làm. Tuy nhiên, ngành thép muốn phát triển bền vững DN phải đẩy mạnh qua đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại trên thị trường.
Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa
Giá thép liên tục tăng, tình trạng mua hàng chờ tăng giá sau khi Bộ Công Thương công bố quyết định áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu là hiện tượng thường gặp ở kinh tế thị trường do dự báo sẽ tăng giá bán. Tuy nhiên, nếu có yếu tố giữ hàng lại để đầu cơ tăng giá là vi phạm. Để ngăn chặn hiện tượng này, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các địa phương vào cuộc tìm hiểu, kiểm tra làm rõ, nếu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng tăng giá trái quy định sẽ xử lý nghiêm. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương Nguyễn Trọng Tín
|
Đủ căn cứ áp dụng biện pháp tự vệ Trước tình trạng các DN thép lợi dụng việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với sản phẩm phôi và thép nhập khẩu để tăng giá bán, ngày 22/3, Bộ Công Thương đã đưa ra một số thông tin về việc điều tra áp biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Tháng 12/2015, Bộ Công Thương nhận được yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của nhóm 4 công ty đại diện cho 38,6% lượng sản xuất phôi thép và 34,25% lượng sản xuất thép dài của cả nước là: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý. Kết quả thẩm tra cho thấy, các DN sản xuất phôi thép trong nước đều chịu thiệt hại khi giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2015 giảm đến 27%. Điều này khiến nhiều DN chuyên sản xuất phôi thép phải dừng lò hoặc hoạt động cầm chừng. Cụ thể lượng sản xuất năm 2015 chỉ tăng hơn 1% so với năm 2014, trong khi con số này của năm trước là gần 10%. Công suất sử dụng của ngành phôi thép giảm từ gần 60% năm 2014 xuống còn dưới 50% năm 2015. Nhìn chung, công suất thực tế của ngành sản xuất trong nước mới chỉ bằng gần 50% công suất thiết kế. Trong khi thị phần phôi thép và thép dài nhập khẩu năm 2015 tăng mạnh, chiếm tương ứng gần 30% và 20% trên tổng tiêu dùng trong nước, gấp 3 lần thị phần năm 2013. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Lượng nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1/2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015. Điều đó cho thấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015. Căn cứ trên các số liệu về lượng nhập khẩu phôi thép gia tăng đột biến, cơ quan điều tra đã tính toán và chứng minh có hiện tượng ép giá và kìm giá của phôi thép nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước. Chính vì vậy, việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ DN sản xuất phôi thép và sản xuất sản phẩm thép dài trong nước. “Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời được đưa ra dựa trên kết luận điều tra và thẩm tra tại chỗ, phù hợp với các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam” - lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định. Thu Hương
|