Tuy nhiên, sự dịch chuyển của hồ sơ nóng này từ bàn đàm phán tới các cuộc gặp bên lề là điều mà giới quan sát cho là đáng chú ý.
Diễn biến này cho thấy, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương không thể làm ngơ trước một “thách thức mang tên Trung Quốc” đối với an ninh hàng hải tại khu vực đường biển quan trọng bậc nhất thế giới này. Thông điệp mạnh mẽ Trong cuộc gặp với giới chức chủ nhà Philippines hôm 17/11, những phát biểu và hành động của Tổng thống Mỹ Barack Obama xem ra đang thách thức Trung Quốc mạnh mẽ hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Với việc xuất hiện trước khinh hạm BRP Gregorio Del Pilar của Mỹ và thông báo sớm chuyển giao cho Philippines 2 tàu chiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi tới Bắc Kinh một thông điệp rằng, Washington sẽ hỗ trợ Philippines - một nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong nhiệm vụ đảm bảo an toàn ở Biển Đông. Trước đó, trong cuộc gặp đầu tiên với ông Obama, Thủ tướng Australia - quốc gia thường né tránh vấn đề Biển Đông do mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc đã cam kết sẽ “kề vai sát cánh” với Washington trong sứ mệnh đảm bảo an toàn hàng hải khu vực. Đặc biệt, phát biểu mạnh mẽ của ông Obama bên ngoài phòng hội nghị, yêu cầu Trung Quốc phải ngừng các hành động cải tạo trái phép tại các bãi đá ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Bởi chưa bao giờ ông chủ Nhà Trắng lại đưa ra một tuyên bố trực tiếp và mạnh mẽ như vậy. Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây là lời cảnh báo đầu tiên mà nếu Bắc Kinh không chịu để tâm, Washington sẽ đáp lại bằng hành động. Đẩy nhanh tiến trình thực thi TPP Là diễn đàn tập hợp các nền kinh tế hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên thương mại vẫn là vấn đề được các bên đặc biệt quan tâm. Vì thế, cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã trở thành thông lệ kể từ khi xúc tiến đàm phán hồi năm 2010. Cuộc họp lần thứ 6 năm nay tại Philippines có ý nghĩa quan trọng khi các nước đang nỗ lực để sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định theo lộ trình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp quan trọng này. Tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, đây không chỉ là thành quả to lớn, thể hiện tầm nhìn chung của 12 quốc gia TPP, mà còn đối với tương lai của khu vực, góp phần xác định các quy tắc thương mại của châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Đồng thời bày tỏ tin tưởng Hiệp định sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2016. Mặc dù còn không ít những đồn đoán về việc cơ quan lập pháp Mỹ sẽ ngăn cản việc đưa TPP ra bỏ phiếu trước khi Tổng thống Obama mãn nhiệm nhưng các lợi ích mà TPP mang lại khiến các nhà quan sát cho rằng, niềm tin “sẽ có được TPP” của ông Obama là hoàn toàn có cơ sở. Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoàn tất Hiệp định TPP là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc thực thi Hiệp định sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, nên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng đến thực tiễn và sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước TPP... Tuyên bố chung được các nhà lãnh đạo thông qua sau cuộc họp với sự đồng thuận cao đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 quốc gia thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước nhằm sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi để người tiêu dùng, người lao động, nông dân và DN ở các quốc gia thành viên có thể hiện thực hóa các lợi ích chung mà TPP mang lại.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III phát biểu tại lễ khai mạc APEC 2015. |