Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Apple: Con đường dẫn đến doanh nghiệp "nghìn tỷ USD"

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Việc “đại gia” trong làng công nghệ toàn cầu Apple (Mỹ) ngày 2/8 trở thành công ty tư nhân đầu tiên đạt giá trị thị trường hơn 1.000 tỷ USD là một “trái ngọt” về mặt tài chính đối với hãng này. Cột mốc đạt được trong ngày 2/8/2018 là bước tiến ngoạn mục nhất của Apple, mà 42 năm trước đây khởi nghiệp từ một gara ô tô.

Theo dữ liệu của FactSet, giá cổ phiếu của Apple tăng 5,89 USD lên đóng phiên 2/8 ở mức 207,39 USD/cổ phiếu, giúp đưa giá trị thị trường của hãng lên mức khoảng 1.001.679.220.000 tỷ USD . Cổ phiếu của “Trái táo khuyết” hiện đứng đầu bảng ở thị trường chứng khoán Mỹ, từ trước đến nay bị thống trị bởi cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Facebook–năm công ty có giá trị thị trường hàng đầu.
Một gian hàng của Apple ở New York, Mỹ ngày 2/8. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Thành tựu này dường như không thể tưởng tượng được nếu nhìn lại năm 1997, khi Apple mấp mé bờ vực phá sản với cổ phiếu được giao dịch ở mức chưa đến 1 USD/cổ phiếu và giá trị thị trường sụt xuống dưới mức 2 tỷ USD. Nếu một người “có gan” mua 10.000 USD cổ phiếu của Apple tại thời điểm đó, khoản đầu tư đã sinh lời thành khoảng 2,6 triệu USD. Có thể nói, các sản phẩm đình đám của Apple, mà điển hình là điện thoại iPhone, đã góp phần nâng hãng từ một tiệm công nghệ thành một hiện tượng mang tính văn hóa và một cỗ máy in tiền.
Thế mạnh của Apple là ở chỗ, mặc dù doanh số bán iPhone giờ không tăng nhanh như một số năm trước đây song hãng đã biết cách bổ sung tính năng mới cho điện thoại và khách hàng vẫn luôn sẵn sàng trả mức giá cao hơn để được sở hữu thiết bị đỉnh cao này. Số liệu thống kê trong quý gần nhất cho thấy Apple bán được iPhone ở mức giá trung bình 724 USD/điện thoại, tăng gần 20% so với mức giá trung bình 606 USD/điện thoại trong cùng kỳ năm ngoái.
Bắt đầu trong gara của Steve Jobs năm 1976, tính đến nay doanh thu của Apple đã tăng vượt sản lượng kinh tế của Bồ Đào Nha, New Zealand và nhiều nước khác. Giá trị thị trường của Apple hiện lớn hơn giá trị cộng gộp của Exxon Mobile, Procter & Gamble và AT&T và hiện chiếm 4% giá trị của chỉ số S&P 500. Giá cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 50.000% kể từ năm 1980 khi hãng phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Apple có được nền tảng vững chắc như ngày hôm nay, công lớn thuộc về những người sáng lập được cho là “bệ phóng” vững chắc cho “Trái táo khuyết” là Steven Wozniak và Steven Jobs–hai người bạn trung học có chung đam mê về điện tử học. Đóng góp đầu tiên của Wozniak cho Apple là máy tính cá nhân sau đó được biết đến với tên Apple I. Jobs, vốn là người có tầm nhìn xa, đã kiên định với quan điểm bán Apple I, và vào ngày 1/4/1976, máy tính này được ra mắt và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Apple chỉ bắt đầu cất cánh” vào năm 1977, khi máy tính Apple II được trình làng và ổ đĩa Apple Disk II được ra mắt vào đầu năm 1978. Doanh thu của Apple vào thời điểm này đã thực sự gia tăng.
Doanh thu tăng dần kéo theo sự mở rộng hoạt động của hãng. Đến năm 1980, khi máy tính Apple III được lên kệ, Apple đã nắm trong tay vài nghìn nhân viên, và bắt đầu xuất khẩu máy tính ra nước ngoài. Giai đoạn này, Apple đã tuyển dụng nhiều quản lý cấp độ trung nhiều kinh nghiệm hơn, và quan trọng hơn cả, nhận về một số nhà đầu tư mới, những người đã lựa chọn phụ trách ghế trống tại ban giám đốc của Apple.
Năm 1981 chứng kiến bước ngoặt của Apple, khi thị trường bão hòa "hãm phanh" hoạt động bán máy tính của Apple; tháng Hai năm đó, Apple buộc phải lần đầu tiên cho nghỉ việc 40 nhân viên, và Jobs trở thành chủ tịch của Apple vào tháng Ba.
Những năm 1984-1991 chứng kiến sự chuyển mình trong chặng đường phát triển của Apple khi hãng cho ra mắt Macintosh, máy tính cá nhân đầu tiên được bán không có ngôn ngữ lập trình trong chương trình quảng cáo truyền hình đình đám “1984” trị giá 1,5 triệu USD.
Cuối năm 1990, Apple ra mắt ba mẫu máy với giá thành thấp hơn gồm Macintosh Classic, Macintosh LC và Macintosh Iisi, tất cả đều được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Tiếp nối thành công đó, năm 1991, Apple trình làng PowerBook, với một thiết kế đặt nền móng cho hình dáng hiện tại của hầu hết mọi laptop hiện đại. Cùng năm này, Apple còn ra mắt hệ điều hành System 7. Sự phát triển của Apple ngày càng thăng hoa khi hãng liên tiếp cho ra mắt các sản phẩm mới. Tạp chí MacAddict gọi giai đoạn 1989-1991 là “kỷ nguyên vàng đầu tiên” của Macintosh.
Một dấu mốc quan trọng khác của Apple là ngày 15/8/1998, hãng ra mắt siêu phẩm máy tính tích hợp Macintosh 128K có tên gọi iMac. iMac được thiết kế bởi một đội ngũ mà người lãnh đạo là Ive, tác giả của các mẫu thiết kế iPod và iPhone sau này. Giai đoạn này còn chứng kiến việc Apple hoàn tất nhiều thương vụ sáp nhập nhằm tạo ra danh mục sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, điển hình phải kể đến vụ mua về công ty Đức Astarte, Nothing Real hay Emagic... Apple còn mua dự án phần mềm Key Grip của Macromedia, đánh đi một dấu hiệu hãng muốn tiến vào thị trường chỉnh sửa video số.
Nói đến Apple, không thể không kể đến ba dòng sản phẩm “đinh” của hãng là máy tính Macbook (trình làng năm 2006), điện thoại thông minh iPhone (ra mắt phiên bản đầu tiên năm 2007) và máy tính bảng iPad (ra mắt bản đầu tiên năm 2010). Số liệu mới nhất cho thấy Apple bán 4 triệu chiếc Mac trong quý I/2018, thu về 5,8 tỷ USD, kết quả này khá tương đương cùng kỳ năm trước khi số lượng Mac được bán ra là 4,1 triệu chiếc. Cùng quý, 52,2 triệu chiếc iPhone được bán ra mang về cho Apple 38 tỷ USD, tăng so với mức 50,7 triệu iPhone tương ứng với doanh thu 33 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Số lượng iPad được bán ra là 9,1 triệu chiếc, mang về doanh thu 4,1 tỷ USD.
Trong quý II vừa qua doanh thu của Apple tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 53,3 tỷ USD và lợi nhuận tăng 30% lên 11,5 tỷ USD (tương ứng 2,34 USD/cổ phiếu), chủ yếu nhờ sự tăng giá của các sản phẩm iPhone, các dịch vụ online và các thiết bị đeo tay điện tử. Những con số này đều cao hơn do với ước tính doanh thu đạt 52,3 tỷ USD và lợi nhuận đạt 2,18 USD/cổ phiếu mà các chuyên gia của hãng tin Thomson Reuters đưa ra.