Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Argentina lại vỡ nợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Chính phủ nước này đã không thuyết phục được các chủ nợ để hoãn trả lãi trên 13 tỷ USD trái phiếu tái cơ cấu vào đúng hạn chót hôm 30/7. Và hậu quả là, Argentina đã chính thức vỡ nợ lần thứ 2 trong 13 năm.

Ngày 31/7, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã tuyến bố Argentina vỡ nợ. Theo thống kê, tổng giá trị nợ nước ngoài của Argentina đã lên đến 200 tỷ USD, trong đó có 30 tỷ USD trái phiếu tái cơ cấu trong khi  dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ có 29 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, tình trạng vỡ nợ sẽ khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng -3,5%, lạm phát lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm nay. Đồng tiền peso vốn đã mất 20% giá trị từ đầu năm đến nay sẽ tiếp tục mất giá, kéo theo tình trạng lạm phát và giá cả tăng mạnh. Trước đó, hôm 17/6, S&P đã hạ 2 bậc xếp hạng nợ của Argentina, qua đó đưa xếp hạng mới của nước này rơi xuống mức CCC-, khiến  Argentina trở thành quốc gia có xếp hạng thấp nhất cho tới nay. 

Động thái này còn khiến quan hệ song phương giữa Argentina và Mỹ vốn đã xấu đi từ nhiều năm qua rơi vào "vùng nguy hiểm". Trên thực tế, khoảng 10% chủ nợ là nhóm chủ nợ Mỹ dẫn đầu bởi quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management đòi Argentina phải trả toàn bộ tiền. Cuộc chiến pháp lý giữa Argentina và nhóm chủ nợ này đã kéo dài nhiều năm mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận mang tính đột phá nào. Năm 2012, Tòa án Liên bang Mỹ tại Manhattan đã phán quyết Argentina phải trả đầy đủ 1,33 tỷ USD cả gốc lẫn lãi cho nhóm này, trước khi thanh toán cho các chủ nợ khác.

Dù lần vỡ nợ này Argentina được dự báo sẽ chỉ gây ra hậu quả trong ngắn hạn, do "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latin đã ổn định hơn nhưng chắc chắn cuộc chiến pháp lý giữa Argentina với nhóm chủ nợ Mỹ sẽ còn tiếp tục, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới.