AUKUS công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân, bất chấp Trung Quốc phản đối

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo của liên minh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) hôm 13/3 đã công bố chi tiết về kế hoạch cung cấp cho Australia các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân - động thái đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.

Từ trái qua: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh AUKUS, ngày 13/3/2023 tại San Diego, California. Ảnh: Getty Images
Từ trái qua: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh AUKUS, ngày 13/3/2023 tại San Diego, California. Ảnh: Getty Images

Phát biểu tại một buổi lễ từ căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở San Diego, cùng với các nhà lãnh đạo Anh và Australia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi thỏa thuận trong khuôn khổ quan hệ đối tác AUKUS 2021 là "một phần của cam kết chung hướng tới một nền kinh tế tự do và cởi mở", với hai "đồng minh mạnh mẽ và có năng lực nhất" của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, ba hạm đội tàu ngầm cùng nhau hợp tác xuyên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để giữ cho các đại dương của chúng ta được tự do... trong nhiều thập kỷ tới".

Theo thỏa thuận, Mỹ dự định vào đầu những năm 2030 bán cho Australia 3 tàu ngầm lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân do General Dynamics chế tạo, với tùy chọn mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần. AUKUS cũng chứng kiến lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân kể từ sau một cam kết tương tự của Mỹ với Anh vào những năm 1950.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo hôm 13/3 nói rằng dự án nhiều giai đoạn này sẽ đạt đến đỉnh cao với việc Anh và Australia sẽ sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới "SSN-AUKUS" - một loại tàu "được phát triển bởi ba bên" dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh, bao gồm các "công nghệ tiên tiến" của Mỹ, sẽ được hoàn thiện tại Anh và Australia.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết ông kỳ vọng thỏa thuận AUKUS sẽ mang lại 6 tỷ AUD (4 tỷ USD) đầu tư vào năng lực công nghiệp của Australia trong 4 năm tới, và tạo ra khoảng 20.000 việc làm trực tiếp trong 30 năm tới. Ông cho biết cam kết từ Chính phủ Australia sẽ yêu cầu tài trợ lên tới khoảng 0,15% GDP mỗi năm, trong khi một quan chức quốc phòng Australia nói với Reuters rằng dự án sẽ tiêu tốn 368 tỷ AUD (245 tỷ USD) vào năm 2055.

Thỏa thuận cũng sẽ chứng kiến ​​các tàu ngầm của Mỹ và Anh được triển khai ở Tây Australia để giúp huấn luyện thủy thủ đoàn nước này và tăng cường khả năng răn đe. Tuyên bố chung hôm 13/3 cho biết, Mỹ và Anh sẽ bắt đầu các đợt triển khai luân phiên này sau năm 2027.

Trung Quốc trước đó đã lên án kế hoạch của AUKUS là hành động "phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp". Australia cũng khiến Pháp khó chịu khi đột ngột hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm thông thường với Paris vì AUKUS.

Trả lời báo giới hồi cuối tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bác bỏ những lo ngại của Trung Quốc và chỉ ra việc Bắc Kinh cũng đang tăng cường quân sự, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tổng thống Biden hôm 13/3 thì nhấn mạnh rằng các tàu ngầm sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không phải trang bị vũ khí hạt nhân.

"Những chiếc tàu này sẽ không có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào trên đó" - Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Theo Reuters, giới phân tích chính trị tin rằng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và đặc biệt là căng thẳng trong vấn đề Đài Loan, giai đoạn thứ hai trong AUKUS 2021 - liên quan đến vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí khác - có thể sẽ được triển khai nhanh hơn. Nhưng các quan chức Mỹ lưu ý, tuyên bố chung hôm 13/3 không bao gồm giai đoạn thứ hai này.