Tại các bệnh viện (BV), phòng khám, nhiều người mang bầu khi bị sốt liền đòi bác sĩ cho xét nghiệm virus Zika. Theo các chuyên gia y tế, đối với trường hợp mang thai, không nên đổ xô xét nghiệm tràn lan, mà phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo dõi chặt thai phụ nghi nhiễm Zika
Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến nay đã có 35 ca mắc virus Zika, trong đó 4 trường hợp là thai phụ. PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh dự báo, số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch triệt để và hiệu quả. Trước tình hình trên, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện xét nghiệm, chủ động giám sát dịch bệnh, ban hành quy trình theo dõi, chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại các BV sản khoa và trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn TP.
Cục Y tế Dự phòng cũng đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh khẩn trương tìm các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này. Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện TP chưa ghi nhận ca bệnh Zika nào, nhưng trong thời gian tới, có thể sẽ có bệnh nhân do muỗi truyền virus Zika có lưu hành tại Hà Nội. Trước tình hình Việt Nam đã có trường hợp trẻ 4 tháng tuổi bị chứng đầu nhỏ do Zika, TP đã yêu cầu BV Phụ sản Hà Nội và các trung tâm chăm sóc sức khỏe trực thuộc Sở Y tế tăng cường quản lý thai sản, khám sàng lọc phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để tư vấn và xét nghiệm. “Lưu ý các trường hợp phụ nữ có thai bị phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ, hoặc siêu âm thai nghi ngờ bị chứng đầu nhỏ và các bà mẹ sinh con có đầu nhỏ. Khi phát hiện các ca nghi ngờ, các đơn vị sản khoa cần báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, tuyệt đối không bỏ sót ca bệnh” - ông Hạnh nhấn mạnh.
Không nên đổ xô đi xét nghiệm
Nhiều phụ nữ mang thai hoang mang, lo lắng trước nguy cơ sinh con bị chứng đầu nhỏ nếu mẹ nhiễm virus Zika và đòi xét nghiệm khi có hiện tượng sốt nhẹ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, chỉ những thai phụ thuộc các nhóm đối tượng nguy cơ cao mới đi sàng lọc, không nên đổ xô đi xét nghiệm khi chưa có biểu hiện điển hình hoặc nghi ngờ. Cụ thể là các trường hợp mang thai 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; chồng, bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc.
Trước tình hình nhiều thai phụ bị nhiễm virus Zika, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám thai ngoài nội dung khám thai thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng, bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh do nhiễm Zika; siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika, khi siêu âm, cần chú trọng xác định đầu nhỏ ở thai nhi hoặc các bất thường khác của não như giãn não thất, vôi hóa, teo não, không xác định được các bộ phận của não…
Đối với phụ nữ mang thai, khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ cần được chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán chính xác; cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh.