Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba giải pháp gỡ khó cho đầu tư BĐS du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Để phát huy tiềm năng sẵn có, phát triển và thu hút khách du lịch, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng phòng nghỉ, có thêm nhiều hoạt động cho du khách. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quản lý du lịch cũng như khả năng giao tiếp tiếng Anh của hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn…".

Ba giải pháp gỡ khó cho đầu tư BĐS du lịch - Ảnh 1
Đây là nhận định của ông Akshay Kulkarni - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Bát động sản (BĐS) Khách sạn, nghỉ dưỡng khu vực Nam & Đông Nam Á, Công ty Cushman Wakefield khi nói về BĐS du lịch Việt Nam.

 Là người có kinh nghiệm trong nghề, theo ông, Việt Nam muốn phát triển BĐS du lịch cần những yếu tố gì?

- Tâm lý du khách luôn muốn khám phá, tìm kiếm những cái mới và du lịch chính là sự trải nghiệm. Do đó, phát triển BĐS du lịch không chỉ phụ thuộc vào quy mô dự án mà còn ở cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, tiềm năng phát triển của loại hình này quan trọng nhất chính là cung cấp sự trải nghiệm thú vị cho du khách. Đây cũng là yếu tố để thu hút, kéo du khách quay trở lại.
Ông đánh giá tiềm năng đó ở Việt Nam như thế nào?
- Ở Việt Nam lợi thế lớn nhất là phong cảnh thiên nhiên phong phú và bờ biển trải dài. Thêm vào đó, gần đây cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp, di chuyển thuận tiện hơn nên du lịch được thúc đẩy. Tuy nhiên, đến Đà Nẵng hay Phú Quốc hay một số khu du lịch nổi tiếng tại Việt Nam…  khi ra ngoài khu nghỉ dưỡng, du khách không có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí, mua sắm... Và nếu một địa điểm du lịch không hoàn thiện về chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng, nơi này sẽ nhanh chóng bị lãng quên và bị thay thế bởi những địa điểm khác mới mẻ, tiện ích hơn.
Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn rất lớn, Trong ảnh: Khu Resort Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Linh Anh
Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn rất lớn, Trong ảnh: Khu Resort Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Linh Anh
Với những hạn chế như trên, ông nghĩ mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào Việt Nam đến đâu?

- Khi xem xét đầu tư, nhà đầu tư bao giờ cũng hướng đến mức độ rủi ro của dự án và môi trường kinh doanh. Hiện có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã xem xét khả năng đầu tư vào Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng tăng trưởng và phát triển của thị trường. Cụ thể như, Rockefeller mới đầu tư 2,5 tỷ USD vào dự án tại Vũng Rô, Phú Yên; Tỷ phú Israel Igal Ahouvi với Dự án Alma Resort (Bãi Rồng, Cam Ranh) trị giá 300 triệu USD... Điều này cho thấy, Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư ở Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận phải đạt đến 15 - 25% mới được coi là khả thi, trong khi ở Singapore là 5%. Do đó, khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ, đồng thời cũng xét đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án như vị trí đầu tư, đối tượng triển khai, thời điểm đầu tư…

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại về môi trường kinh doanh, bởi thị trường Việt Nam mới nổi, phần lớn chính sách, quy trình chưa ổn định, hay thay đổi và thiếu tính thống nhất. Ở góc độ du lịch, việc cấp thị thực và chi phí xin thị thực còn nhiều bất cập. Nếu Việt Nam giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng này, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng sẽ tăng.

Để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư vào BĐS du lịch Việt Nam, theo ông cần có giải pháp gì?

- Tôi có 3 đề xuất: Thứ nhất là phổ cập và minh bạch chính sách, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thông hiểu về luật pháp, chính sách đầu tư tại Việt Nam. Thứ hai, với phương diện BĐS, các nhà đầu tư rất nghi ngại về giá trị đất. Giá đất quá cao là một yếu tố bất lợi cho Việt Nam trong quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có kinh doanh vận hành tốt đến đâu thì cũng phải một thời gian rất dài mới khấu hao được. Thứ ba, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, sinh sống tại đây nhưng nhà đầu tư này vẫn không biết nơi để tìm thông tin về điều kiện và thủ tục tiếp cận những hỗ trợ. Khắc phục được những vấn đề này, Việt Nam sẽ cải thiện được môi trường đầu tư và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn.

Xin cảm ơn ông!