Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn
Thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy.
Qua khảo sát ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những ngõ, ngách nhỏ và sâu, ngoằn ngoèo, nhiều ngõ, ngách thậm chí chỉ vừa đủ người nép tránh chiếc xe máy chạy qua. Đáng chú ý, sâu trong ngõ ngách là những dãy nhà trọ quá khổ, công trình cao từ 7 - 9 tầng, xây dựng với quy mô lớn, nhiều phòng, tập trung đông người. Hơn thế, còn phổ biến tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép, lưới điện, cáp thông tin mắc trùng võng; bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy. Cùng với đó, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm…
Thực trạng trên đang là thách thức lớn đối với công tác PCCC & CHCN Thủ đô. Hơn nữa, trong thời gian nắng nóng cao điểm lại càng trở nên phức tạp. Việc bảo đảm an toàn và ứng phó kịp thời với các sự cố cháy nổ trở nên rất khó khăn. Đơn cử, tại địa bàn quận Cầu Giấy, kết quả tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ của UBND quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận có 3.328 cơ sở đang hoạt động.
Trong đó, có 1.812 cơ sở chỉ cho thuê trọ, 1.513 cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ. Đáng chú ý, kết quả kiểm tra cho thấy, có 3.172 cơ sở không có lối cho xe chữa cháy tiếp cận; có 3.198 cơ sở không bảo đảm tiêu chí ngăn cháy lan, có 2.822 cơ sở không đạt yêu cầu về tiêu chí lối thoát nạn.
Số liệu thống kê, tại địa bàn quận Thanh Xuân là một trong những quận trọng điểm, trung tâm các đầu nối giao thông quan trọng, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh và sản xuất. Hiện có 1.588 tuyến ngõ, ngách. Hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường ngõ có chiều rộng nhỏ dưới 3m, các phương tiện xe cơ giới không tiếp cận được. Nhiều khu dân cư, tập thể cũ, các ngõ, hẻm, ngách sâu tập trung đông dân: hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ...
Còn nhiều trăn trở
Qua điều tra cơ bản của lực lượng chức năng, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho thấy, có 996 ngõ, ngách, nhỏ trên 50m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được và theo lực lượng PCCC cần thành lập 1.907 điểm chữa cháy công cộng… Về công tác PCCC, thiếu tá Lê Tiến Thành - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Quận đã đồng loạt triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy nguyên tắc "4 tại chỗ" trong công tác PCCC.
Hiện trên địa bàn quận đã vận động xây dựng và đưa vào hoạt động 122 Tổ liên gia an toàn PCCC, 336 Điểm chữa cháy công cộng”. Thực tế, hai mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, Nhân dân, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để người dân nâng cao ý thức PCCC.
Trong công tác bảo đảm an toàn về cháy nổ, theo đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại như: thiết bị phòng cháy không bảo đảm; hầu hết các cơ sở chỉ có một đường và lối thoát nạn, không có lối thoát nạn dự phòng; các cơ sở nằm trong ngõ sâu, phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được… Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho hay, thời gian tới sẽ thực hiện điều tra cơ bản các nhà trọ, không bỏ lọt, bỏ sót cơ sở nào; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phòng cháy và sẽ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, những vụ cháy gây hậu quả nặng nề đã để lại nhiều trăn trở cho lực lượng chức năng. Đáng lưu ý, trong những ngày nắng nóng cao điểm, người dân ở khu dân cư, tại các nhà trọ cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý nguồn điện. Bởi lẽ, thường những khu nhà trọ, chung cư mini có hệ thống điện không bảo đảm, nhiều người sử dụng quá tải điện, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cháy nổ. Thực tế, tại Hà Nội có thời điểm tới 90% số vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ điện…
Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP, đối với Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN cần rà soát lại quy trình, quy định, hướng dẫn công tác chữa cháy và CHCN, từ đó xây dựng hoàn thiện quy trình, phương án cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay để huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn nghiêm trọng.
Công an các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá toàn diện các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, CHCN hiện nay; nghiên cứu, đề xuất bổ sung trang thiết bị bảo đảm tính thực chiến cao, gọn nhẹ, dễ sử dụng, phù hợp với thực tế địa bàn Thủ đô, nhất là các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, CHCN tại đám cháy trong các ngõ, ngách nhỏ, sâu. Nghiên cứu, thiết kế phương tiện để vận chuyển các thiết bị dự phòng đến đám cháy. Khi đến hiện trường vụ cháy, cần phải triển khai sử dụng để rút ngắn thời gian chữa cháy, giảm thiệt hại tối đa cho Nhân dân.
Với thách thức trong công tác PCCC & CHCN tại nhà ở, khu dân cư trong ngõ nhỏ, một số chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch tổng thể các khu đô thị dân cư có hoạt động cho thuê trọ thường xuyên để phân định vùng quản lý theo mức cảnh báo sớm rủi ro (an toàn, an toàn thấp, đặc biệt mất an toàn) dựa trên các tiêu chí mật độ cư dân của khu, chiều rộng của ngõ, liên kết các lối đi lại, khả năng thoát hiểm và đáp ứng yêu cầu về PCCC.
Hạn chế cấp phép kinh doanh nhà ở cho thuê ở các quận trung tâm có mật độ dân số cao và những ngõ quá hẹp mà xe chữa cháy không vào được. Bên cạnh đó, cần có quy định chuẩn về các nhà dân kết hợp kinh doanh cho thuê nhà ở theo các tiêu chí: ngõ rộng tối thiểu bao nhiêu mét, xe chữa cháy vào được không, xây cao tối đa bao nhiêu tầng, số căn tối đa, số lượng người ở tối đa, đáp ứng về chuẩn an toàn PCCC...