Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba vấn đề lớn của thương mại điện tử Việt Nam năm 2024

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Việc trong năm 2023, có tới hơn 105 ngàn nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường cho thấy thương mại điện tử ngày càng có tính cạnh tranh khắc nghiệt.

Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Ảnh HK.
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Ảnh HK.

Một người bán, vạn người mua

Đầu tiên phải khẳng định mức độ cạnh tranh trên các sàn TMĐT vô cùng gay gắt 105 ngàn người bán rời cuộc chơi, đã phần nào nói lên sự nghiệt ngã của cuộc chơi. Khi trên sàn cùng 1 loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp đăng bán, khác với cách đây vài năm "một người bán, vạn người mua", giờ đây người bán đã tăng đáng kể nên ngoài mẫu mã, chất lượng thì cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt hơn. Thực tế, nếu không chi tiền quảng cáo cho sản phẩm hoặc thuê KOC bán hàng thì các công ty khó lòng có được doanh số tốt, trong bối cảnh các sàn đều tăng phí đáng kể.

 

Thực tế, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới nhưng để bán hàng được trên đó vẫn còn nhiều rào cản.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết: năm 2022, doanh thu bán hàng trực tuyến của khối doanh nghiệp trên địa bàn quận đạt 56.435 tỷ đồng, chiếm 8,69% tổng doanh thu của địa phương. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 53.305 tỷ (chiếm 94,45% tổng doanh thu bán hàng trực tuyến).

So với năm 2021, doanh thu bán hàng trực tuyến năm 2022 tăng 8,92 lần. Nhưng so với doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 khoảng 20,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022 cho thấy quận Hoàn Kiếm vẫn phải nhanh chóng phát triển kinh tế số nói chung, thương mại điện tử nói riêng”.

Quận Hoàn Kiếm đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, các cơ quan báo chí sẽ đồng hành cùng địa phương. Ảnh NN.
Quận Hoàn Kiếm đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, các cơ quan báo chí sẽ đồng hành cùng địa phương. Ảnh NN.

Trên thực tế các hộ kinh doanh nhỏ lẻ lâu năm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng như bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân đang gặp nhiều khó khăn do gặp cạnh tranh trực tiếp từ hàng hoá trên môi trường điện tử và khách hàng chuyển dịch thói quen sang mua sắm trực tuyến. Giờ đây, muốn bán hàng trên các sàn TMĐT phải được trang bị kiến thức từ xây dựng thương hiệu, xây dựng đơn giá, quảng cáo, tiếp thị.

Tâm lý người mua

Thứ hai, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra.

Năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021).

Tổng quan thị trường TMĐT các năm.
Tổng quan thị trường TMĐT các năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 9,72% so với cùng kỳ); 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 20,55% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560,609 tỷ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ/1.610 đối tượng.

Vì vấn nạn này, nên người tiêu dùng Việt Nam sàn TMĐT chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ (không quá 500 ngàn đồng) và không quá quan trọng khiến cho sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn bị co hẹp lại.

Phát triển không đồng đều

Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng Ecommerce một cách bài bản, chuẩn xác. Theo Metric, tính trên 5 sàn lớn nhất, doanh thu TMĐT Hà Nội đạt 76.665 tỷ đồng, chiếm thị phần 33%, TP Hồ Chí Minh 51.230 tỷ đồng, chiếm thị phần 22%, doanh thu quốc tế (bán ngoài thị trường Việt Nam) đứng thứ 3 trên 9.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4%.

Tốc độ tăng trưởng các tỉnh, thành. Ảnh Metric
Tốc độ tăng trưởng các tỉnh, thành. Ảnh Metric

Bắc Ninh là địa phương đứng thứ 4, doanh thu 5.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2%. Nhìn tốc độ phát triển TMĐT trong năm 2024 chỉ có Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Dương tăng trưởng nhanh. Ngay cả Đà Nẵng, doanh thu TMĐT năm 2023 chỉ đạt 812 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng 20,1%.

 

Giám đốc TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh khẳng định: năm 2024, TikTok mở rộng thời lượng clip, phấn đầu doanh thu bán hàng trên nền tảng TikTok Shop đạt con số 200 ngàn tỷ đồng.

Tốp 10 (9 tỉnh và quốc tế) của các địa phương có doanh thu cao nhất tại 5 sàn Shopee,Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop lần lượt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quốc tế, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng đã có những sự chênh lệch đáng kể.

Với việc 54 tỉnh thành ngoài tốp 10 chỉ chiếm thị phần 4% cho thấy “bức tranh TMĐT” đang có gam màu tối sáng với độ tương phản rất cao. Điều này cho thấy, mặc dù TMĐT Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới nhưng sự phát triển không đều giữa các địa phương đang để lại những lo lắng nhất định đối với các nhà quản lý.

Hiện nay có gần 400 sản TMĐT đăng ký tại Việt Nam, viêc thị phần doanh thu 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C cho thấy sự cạnh tranh đang vào giai đoạn “tăng tốc”. Nhiều sàn TMĐT ứng dụng công nghệ bán hàng AI, VP360 nhưng nếu không có định hướng chiến lược đúng cũng khó lòng cạnh tranh nổi với Shopee, TikTok Shop, Lazada.

Giám đốc TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh khẳng định: năm 2024, TikTok mở rộng thời lượng clip, phấn đầu doanh thu bán hàng trên nền tảng TikTok Shop đạt con số 200 ngàn tỷ đồng, cho thấy các “ông lớn” đang cố gắng khai thác thị trường tiềm năng nay.