Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì đẩy mạnh phát triển mô hình “Chợ không dùng tiền mặt”

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/5, UBND huyện Ba Vì tổ chức Chương trình phát động “Chợ không dùng tiền mặt” với địa điểm chợ Mơ, xã Vạn Thắng.

"Chợ không dùng tiền mặt” là mô hình thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các điểm chợ, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại.

Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra "Chợ không dùng tiền mặt”  tại  chợ Mơ, xã Vạn Thắng.
Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra "Chợ không dùng tiền mặt”  tại  chợ Mơ, xã Vạn Thắng.

Trong năm 2024, Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện Ba Vì đã bám sát chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” để xây dựng, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Trong đó có chỉ tiêu “Kinh tế số”, thí điểm triển khai mô hình “Chợ thông minh” thanh toán không dùng tiền mặt tại 2 chợ (chợ Mơ, xã Vạn Thắng và chợ Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng). Qua đó nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt của người dân và tiểu thương kinh doanh và dần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện. 

Công tác chuyển đổi số huyện Ba Vì  tiếp tục đạt được nhiều thành công.
Công tác chuyển đổi số huyện Ba Vì  tiếp tục đạt được nhiều thành công.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để thúc đẩy hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt, huyện thực hiện miễn, giảm phí, khuyến mại, giảm giá… đối với các điểm kinh doanh và khách hàng mua sắm. Đồng thời xây dựng các hình thức thanh toán tiện lợi hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật cho người dùng. 

"Với nền tảng hạ tầng xã hội đã, đang và ngày càng phát triển, cùng với sự ủng hộ, vào cuộc tích cực các phòng, ban ngành, các đơn vị liên quan, chúng tôi tin tưởng rằng công tác chuyển đổi số huyện Ba Vì nói chung và chủ trương thực hiện “thanh toán không dùng tiền mặt” tại các chợ trên địa bàn nói riêng trong thời gian tới tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa" - ông Nguyễn Đức Anh cho biết.

Nằm trong các hoạt động của chương trình, UBND huyện Ba Vì tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện. Đây là một trong những nội dung được huyện quan tâm lồng ghép trong nội dung chuyển đổi số trên địa bàn.

UBND huyện Ba Vì đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
UBND huyện Ba Vì đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trên địa bàn.

Theo thống kê, hiện nay trong toàn huyện Ba Vì có 155 sản phẩm của 43 đơn vị tham gia được công nhận đạt từ 3 - 4 sao trong đó có 82 sản phẩm đạt 3 sao, 73 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm sau khi công nhận, được hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, tem, chất lượng sản phẩm kiểm định theo định kỳ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mai, quảng bá giới thiệu sản phẩm do thành phố, huyện tổ chức góp phần nâng cao hiệu quả thu nhập của người dân.

Việc tổ chức kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương là rất cần thiết và cần thường xuyên liên tục để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của nhiều DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã vẫn đơn điệu, chưa mang lại hiệu quả.

Huyện Ba Vì có 155 sản phẩm của 43 đơn vị tham gia được công nhận đạt từ 3 - 4 sao, trong đó có 82 sản phẩm đạt 3 sao, 73 sản phẩm đạt 4 sao.
Huyện Ba Vì có 155 sản phẩm của 43 đơn vị tham gia được công nhận đạt từ 3 - 4 sao, trong đó có 82 sản phẩm đạt 3 sao, 73 sản phẩm đạt 4 sao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định, huyện Ba Vì muốn đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử. Đây được coi là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh, gọn gàng, chính xác nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng được biết đến quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.