Bởi vậy, một trong những giải pháp được lãnh đạo địa phương quan tâm hàng đầu là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Nhiều tiêu chí đạt thấp
Năm 2015, nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các xã lại chưa chủ động xây dựng kế hoạch khai thác nguồn lực, chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách. Chính vì vậy, tiến độ triển khai xây dựng NTM của huyện chậm so với mục tiêu đề ra. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới có 7/30 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 23,33%. Đáng chú ý, tỷ lệ đạt các tiêu chí NTM không đồng đều giữa các vùng, chậm và khó khăn nhất là ở các xã miền núi, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Ba Vì, Phú Đông…
Theo kết quả đánh giá của UBND huyện Ba Vì, hầu hết các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện đều đạt thấp. Cụ thể, về tiêu chí giao thông, đến nay mới có 8 xã đạt (chiếm tỷ lệ 26,67%), tiêu chí thủy lợi có 10 xã đạt (33,33%), trường học mới có 1 xã đạt (3,3%). Đặc biệt, về cơ sở vật chất văn hóa, riêng trong năm 2015, huyện đã tiến hành xây dựng thêm 44 nhà văn hóa ở 7 xã miền núi thông qua nguồn vốn hỗ trợ của các quận nội thành và xây dựng mới 2 nhà văn hóa ở xã Phú Phương. Đồng thời, mua sắm trang thiết bị cho 52 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 117,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, toàn huyện vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa do thiếu trung tâm văn hóa xã theo quy định của Bộ VHTT&DL.
Đối với nhóm các tiêu chí về phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất và văn hóa – xã hội – môi trường, tỷ lệ đạt chuẩn NTM có cải thiện hơn nhưng vẫn ở mức khá khiêm tốn. Đơn cử, toàn huyện mới có 9 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 30%), 14/30 xã đạt tiêu chí nước sạch và VSMT nông thôn (46,67%), 8 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (26,67%). Có thể nói, Ba Vì là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn TP, dù nhận được sự quan tâm lớn bằng nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau.
Tăng sức mạnh tại chỗ
Nhận định thẳng thắn về kết quả của địa phương, lãnh đạo huyện Ba Vì cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt triển khai xây dựng NTM, ngay cả các xã đã về đích trong năm 2015. Một số xã trong giai đoạn 1 và nhiều xã khác xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các tiêu chí còn chưa sát, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM, không ít xã mới tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Đình Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, để đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, trong thời gian tới, huyện yêu cầu các xã tập trung khai thác nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình và phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Trong đó, áp dụng rộng rãi cơ chế hỗ trợ vật tư để người dân tự làm các công trình không yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, gắn với quy hoạch cấp huyện và TP.
Đặc biệt, huyện yêu cầu các xã chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp then chốt nhằm đưa xây dựng NTM đi đúng hướng và thực sự bền vững. Qua đó từng bước tăng cường sức mạnh nội lực của địa phương. Trong phát triển sản xuất, huyện đề nghị mỗi xã chọn 1 – 2 cây, con, ngành nghề có triển vọng, quy hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực để xây dựng mô hình. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất và tạo thuận lợi cho DN đầu tư tham gia xây dựng NTM.
Năm 2016, huyện Ba Vì phấn đấu có 3 xã về đích NTM gồm Sơn Đà, Thụy An và Đông Quang.
|