Trong những năm qua, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, kết hợp quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, gắn với thị trường. Đến nay, Ba Vì đã dồn đổi được hơn 5.300ha, đạt 116% kế hoạch TP giao. Toàn huyện đã bê tông hóa 220km và đào đắp 1.100km đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách theo hướng ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hàng hóa. Ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Để hạn chế rủi ro cho người nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện đã có chủ trương phát triển sản xuất theo hướng liên kết “4 nhà”, tạo ra những vùng sản xuất khép kín. Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, có nhiều chính sách ưu tiên, thu hút DN đầu tư. Từ việc tạo môi trường đầu tư tốt, đến nay huyện đã thu hút được 546 DN công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có một số DN liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị.Từ những chính sách thiết thực, huyện Ba Vì đã xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng. Đầu tiên phải kể đến chè Ba Vì, với tổng diện tích là 1.700ha, sản lượng đạt hơn 16.000 tấn. Trên địa bàn huyện đã có 6 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công. Sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm đạt 50 - 60% tổng sản lượng chè toàn huyện, với các thị trường tiêu thụ như Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông… Cùng với chè Ba Vì, thương hiệu miến dong Minh Hồng cũng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Toàn thôn Minh Hồng, xã Minh Quang có 289 gia đình thì có tới 175 hộ với 162 máy chế biến tinh bột dong riềng với sản lượng mỗi ngày khoảng 48.600kg. Miến dong đang ngày càng trở thành sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Một trong những đặc sản nổi tiếng khác của Ba Vì là sữa và sản phẩm từ sữa. Được đưa vào nuôi thử từ những năm 2003, bò sữa được người dân ví von là “vàng trắng của Ba Vì”. Đến nay đàn bò sữa của huyện có 7.500 con, chủ yếu tập trung ở 7 xã miền núi. Năng suất sữa bình quân đạt 14 - 16kg/ngày/con. Từ khi được công nhận nhãn hiệu đến nay, Ba Vì đã có hơn 20 sản phẩm chế biến từ sữa như sữa tươi Ba Vì, sữa chua Ba Vì... chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong và ngoài nước.