Nhiều năm nay, bưởi Diễn, ổi Đài Loan, táo, chuối, thanh long ruột đỏ và dứa đã đem lại thu nhập cao cho người dân Ba Vì.
Bưởi Diễn, ổi Đài Loan - cây thế mạnh mới
Đầu năm 2005, gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở xóm 3 thôn Cẩm Thủy xã Cẩm Lĩnh đưa giống bưởi Diễn vào trồng với diện tích 1.000m2. Để trồng bưởi thành công, anh Hồng đã tích cực học hỏi qua sách báo rồi tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình chăm sóc cây. Anh Hồng cho biết, cây bưởi Diễn có tán rộng, khi trồng cần khoảng cách hợp lý nhưng không cần thưa quá. Sau mỗi vụ thu hoạch thì bắt đầu tăng cường tưới nước, bón phân. Trong đó, phân chuồng chiếm tỷ lệ cao cùng khoảng 3kg phân lân cộng 1kg NPK cho mỗi gốc bưởi. Thời kỳ cây đậu quả phải bón thêm một đợt phân nữa. Để có quả bưởi Diễn ngon, khâu tưới nước cho cây là rất quan trọng. Nguyên nhân là bởi độ ẩm ở các vườn khác nhau nên chăm sóc làm sao quả bưởi đến tháng 11 âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch. Sau 3 năm trồng bưởi Diễn, từ 3 gốc ban đầu, nay anh Hồng đã phát triển lên 100 gốc bưởi. Bưởi của gia đình anh cứ đến tháng 10 hàng năm đã có thương lái đến giao dịch thu mua. Từ 100 gốc bưởi, mỗi năm anh Hồng thu khoảng 6.000 quả, như thời giá hiện nay, trừ chi phí anh cũng lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hồng, xóm 3 thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh bên vườn bưởi Diễn của gia đình. Ảnh: Quân Đạt |
Tại xã Minh Quang, Liên Bu là thôn người dân trồng các loại bưởi, trong đó bưởi Diễn chiếm đa số. Đến nay, sau gần 5 năm, cây bưởi Diễn ở đây đã cho thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Dũng - một người dân trong thôn cho biết, anh có 150 gốc bưởi, năm nay cho thu khoảng 200 triệu đồng. Trong thôn, còn nhiều gia đình khác cũng cho thu hoạch từ bưởi số tiền tương đương nhà anh Dũng. Trưởng thôn Phú Yên, xã Yên Bài Lê Quang Cường cho biết, năm 2013, HTX Nông nghiệp Yên Bài đã chủ động phối hợp với 56 hộ trong thôn trồng bưởi Diễn, diện tích hơn 15ha theo hướng VietGap. Đến nay, nhiều hộ đã có thu hoạch như hộ ông Đỗ Quốc Chiến có 200 gốc cho thu hoạch số tiền 140 triệu đồng, hộ anh Đặng Văn Chiến thu hoạch 170 triệu đồng…
Ngoài bưởi Diễn, người dân còn trồng ổi Đài Loan, giống ổi thơm, ăn giòn, ngọt. Năm 2010, anh Nguyễn Văn Lập ở Cẩm Lĩnh quyết định trồng ổi Đài Loan. Theo anh Lập, để ổi Đài Loan cho quả thơm, ngon, giòn, ngọt, mát thì phải chọn trồng trên đất cát nắc, đất mỡ cua. Đây chính là chất đất ở khu vực thôn Cẩm An của gia đình anh, còn những khu vực khác trồng ổi sẽ không có được chất lượng ổi ngon như vậy. Để trồng ổi, anh Lập đã mở rộng diện tích ao của gia đình và đào sâu khoảng 1,6m để đủ nước tưới cho ổi. Ổi vườn nhà anh Lập thường từ 4 - 5 quả/1kg. Mỗi năm, vườn ổi này thu hoạch khoảng 10 tấn cho anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Điều đáng nói là ổi của gia đình anh thu hoạch quanh năm, một năm chỉ có một hoặc 2 tháng là không có ổi bán.
Những cây trồng truyền thống
Chuối, táo, dứa ở Ba Vì được người dân vùng ven sông, đồi gò trồng từ nhiều năm trước. Người dân thâm canh các loại cây này bởi dễ chăm sóc, lại thu nhập khá. Trong tổng số hơn 100ha dứa trên địa bàn Ba Vì thì Công ty Dịch vụ - sản xuất dứa Suối Hai đã chiếm khoảng 30ha. Một số xã có diện tích dứa lớn như Thụy An, Cẩm Lĩnh, Phú Sơn và Vật Lại. Dứa Thụy An có đặc điểm quả rắn chắc, mắt to, hoa bé, tỷ lệ chồi ngọn chỉ 5 - 6% trọng lượng quả. Với sự tích lũy kinh nghiệm trong việc chọn thời vụ, cách trồng, chăm sóc, cây dứa trồng trên đất Thụy An cho quả to, trọng lượng từ 0,7 - 1 kg/quả, chất lượng thơm, ngon, ngọt. Dứa được thương lái thu mua ngay tại ruộng có giá từ 4.000 – 6.000 đồng/quả, nếu mang đi bán lẻ tại các chợ, giá lên tới 9.000 đồng/quả. Trong năm, nhờ trồng dứa 2 vụ sẽ mang lại thu nhập cho người dân gần 200 triệu đồng/ha/năm.
Đối với táo và chuối trên địa bàn huyện Ba Vì thường trồng tập trung ở các xã ven sông. Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thuần Mỹ Nguyễn Thị Nụ cho biết, trên địa bàn Thuần Mỹ hiện có khoảng 40ha chuối Tiêu Hồng và táo. So với các loại cây trồng khác thì trồng chuối và táo cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào/năm. Ở các xã ven sông như Cổ Đô, Phú Cường, Tản Hồng…, các cây trồng trên đều được người dân trồng, hàng năm cũng cho nguồn thu đáng kể.
Chính từ lợi ích kinh tế như trên nên hiện nay, nhiều diện tích trồng lúa, cây mầu cho năng suất thấp và các diện tích vườn tạp đã được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì dần chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chưa có định hướng phát triển, chưa quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh mà chỉ là tự phát và chưa xây dựng được thương hiệu của các loại quả dẫn đến giá cả bấp bênh, người trồng không yên tâm do thu nhập không ổn định. Người dân mong muốn, sản phẩm hoa quả của mình được bán với giá cao hơn khi có mặt trong các siêu thị cũng như được xuất khẩu là mong muốn rất chính đáng. Rõ ràng, để các cây ăn quả ở Ba Vì đi vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền TP và các DN, bởi từ đó, các loại cây ăn quả ở Ba Vì mới có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong tương lai.
Toàn huyện Ba Vì hiện có 326ha bưởi; 573,8ha chuối; 167ha nhãn, 148ha vải, 137,7ha chanh; 123,2ha dứa, 109,3ha táo xanh; 80,87ha xoài; 78,4ha ổi; 65,7ha hồng xiêm; 62,8ha cam và gần 300ha các giống cây thanh long ruột đỏ, na, mít, đu đủ tập trung ở các xã Cẩm Lĩnh, Minh Quang, Thuần Mỹ, Thụy An, Khánh Thượng… Bưởi Diễn là cây “khó tính” nên trồng loại cây này năm được mùa, năm mất mùa vẫn xảy ra. Để phát triển cây bưởi Diễn trong thời gian tới, đề nghị Hội Nông dân, Phòng LĐTB&XH huyện tiếp tục giúp đỡ các xã mở lớp về trồng trọt, trong đó tập trung chủ yếu vào kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Bên cạnh đó, việc nâng cao giá trị cũng là một vấn đề, bởi bưởi Diễn và ổi Đài Loan giá bán vẫn chưa cao. Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh |