Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì tìm hướng nâng cao hiệu quả vụ đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông dân huyện Ba Vì vừa hoàn thành thu hoạch cây vụ đông 2014 với nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cần có đầu tư trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhiều cây trồng giá trị cao

Vụ đông năm 2014, được sự hỗ trợ của UBND huyện Ba Vì, xã Phú Đông triển khai mô hình trồng bí xanh tại HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa với diện tích 6ha. Thời điểm gieo trồng vào giữa tháng 9, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch lúa mùa. Theo ông Chu Văn Ngãi – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, bí xanh là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ càng trong chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây ngô hay đậu tương. Năng suất bí xanh bình quân đạt từ 3 – 5 tấn/ha, giá bán tại địa phương là 5.000 – 6.000 đồng/kg. Hơn nữa, cây bí còn cung cấp rau xanh cho người dân trong khoảng thời gian hơn một tháng.
Thu hoạch khoai lang tại xã Đồng Thái, Ba Vì.          Ảnh: Thắng Văn
Thu hoạch khoai lang tại xã Đồng Thái, Ba Vì. Ảnh: Thắng Văn
Khác với Phú Đông, từ nhiều năm nay, cây trồng chủ lực trong vụ đông của người dân xã Đồng Thái, huyện Ba Vì là khoai lang. Đây cũng là một trong số ít cây trồng của huyện đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Ông Phùng Quốc Lượng - Chủ nhiệm HTX Đồng Thái khẳng định, cây khoai lang đứng vị trí "quán
Vụ đông 2014, huyện Ba Vì hỗ trợ các xã, thị trấn 19 tấn đậu tương, 38 tấn khoai tây giống với kinh phí 655 triệu đồng và 115 triệu đồng để triển khai mô hình trồng bí xanh.
quân" trong số các cây vụ đông trên địa bàn vì đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Năng suất thâm canh khoai lang đạt tới 7 - 8 tạ/sào, với giá bán trung bình hiện nay khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, cho thu nhập 5 - 6 triệu đồng/sào. "Trồng khoai lang tận dụng được lượng rơm rạ thừa sau thu hoạch nên có thể phát triển thành vùng sản xuất lớn" - ông Lượng chia sẻ.

Theo đánh giá của UBND huyện Ba Vì, nhìn chung cây vụ đông 2014 trên địa bàn phát triển tốt, ít sâu bệnh. Toàn huyện gieo trồng được 5.473ha, trong đó, ngô 2.000ha, đậu tương 1.350ha, khoai lang 1.050ha… Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch xong 100% diện tích, trong đó, một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình thí điểm trồng bí xanh với diện tích 9ha tại xã Phú Đông và thị trấn Tây Đằng cho giá trị đạt 150 triệu đồng/ha hay mô hình trồng 12ha dưa Nhật tại xã Đồng Thái và Vật Lại cũng cho thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha.

Để vụ đông thành vụ chính

Dù đã xuất hiện một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, song diện tích sản xuất vụ đông 2014 của huyện Ba Vì mới chỉ đạt 91% kế hoạch đề ra. Tại một số địa phương, người dân không mặn mà với sản xuất vụ đông, chưa coi đây là vụ chính. Đáng lưu ý, theo ông Trần Đức Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Ba Vì, hạn chế lớn nhất là sản xuất vụ đông chưa hình thành được vùng tập trung mang tính hàng hóa. Đơn cử, diện tích trồng khoai tây vụ đông của huyện là 38ha nhưng phân tán rải rác ở các xã, thị trấn. Đặc biệt, sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, theo đại diện nhiều xã, thị trấn, để đưa vụ đông trở thành vụ chính, ngoài nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân tích cực sản xuất, huyện phải có định hướng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đi cùng với đó là chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là các chương trình hỗ trợ chế biến, bảo quản sản phẩm. Ngay như với khoai lang Đồng Thái - sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường nhưng cũng chỉ tiêu thụ được theo mùa vụ vì không có cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm. Trong khi đó, tại một số nước, khoai lang được bảo quản để bán tươi quanh năm và chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, qua đánh giá thực tế, một số cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện có đủ điều kiện để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng vụ đông phải phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tiểu vùng của địa phương để cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông theo hướng mới, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng và gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.