Trước đó, một số trang mạng có bài viết và đặt dấu hỏi về việc một số cá nhân đã lợi dụng các đoàn xúc tiến thương mại rồi bỏ trốn sang một số nước như Đức và Ba Lan.
Lễ khai trương một hoạt động xúc tiến thương mại. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Bích Hà/Vietnam+) |
Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, ngày 26/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015, theo đó, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức đoàn Xúc tiến thương mại tại Đức và Ba Lan trong năm 2015. Theo quy định, Vụ Thị trường châu Âu đã đăng thông tin để mời các doanh nghiệp tham gia.
Đến ngày 29/10/2016, có 19 doanh nghiệp đăng ký theo thư mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại. Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát trên tinh thần tiết kiệm và hiệu quả. Do vậy kết quả rà soát lại thì chỉ lấy 16 doanh nghiệp.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định thành lập Đoàn đi Xúc tiến thương mại. Ngày 16/11/2015, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu đã ký công hàm gửi Đại sứ quán Đức tại Hà Nội thông báo danh sách chính thức của Đoàn và 3 cá nhân không được duyệt tham gia Đoàn phải tự chịu trách nhiệm về chuyến công tác của mình (nếu có). Công hàm này được chuyển trực tiếp tới Đại sứ quán Đức trước khi phía Đức cấp visa.
Từ những nội dung trên, Bộ Công Thương khẳng định, Quyết định thành lập Đoàn xúc tiến thương mại tại Đức và Ba Lan không có tên các cá nhân được cho là lợi dụng đoàn xúc tiến thương mại trốn sang Đức như đã được đề cập trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, đoàn xúc tiến thương mại đã hợp tác đầy đủ và cung cấp các thông tin liên quan cho Cơ quan Công an đồng thời khẳng định đoàn không liên quan đến việc các cá nhân trốn ở lại các nước trên./.