Kế hoạch nhằm duy trì vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Bắc Giang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt trên bảng xếp hạng cả nước.
Tiếp tục nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện, đẩy mạnh chuyển đổi số vào phục vụ, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Mục tiêu năm 2024 phấn đấu nâng điểm số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 70,95 điểm, tăng 1,20 điểm so với năm 2023. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng của các chỉ số thành phần đang nằm trong nhóm 15 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đồng thời chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần có gắn trọng số cao, tập trung khắc phục những hạn chế của chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng năm 2023.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, cải cách hành chính; đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số; tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cụ thể, các cấp, các ngành và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được nêu tại Nghị quyết số 105-NQ/TU, Kế hoạch số 293/KH-UBND, Kế hoạch số 22/KH-UBND. Thực hiện tốt các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất cao chủ trương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 29/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2024, đẩy mạnh nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với chuyển đổi số toàn diện.
Các sở, ngành và địa phương chủ động rà soát, phát hiện các bất cập về TTHC, giấy tờ công dân cần cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp thẩm quyền giải quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, cập nhật TTHC theo đúng quy định.
Tiếp tục tăng cường đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Hàng năm, mỗi cơ quan, đơn vị tổ chức 1-2 lần gặp gỡ, tiếp xúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư; công khai các kiến nghị và tình trạng xử lý hàng tháng, quý trên cổng thông tin điện tử của đơn vị để theo dõi, kiểm soát.
Tăng cường phổ biến tới doanh nghiệp và tổ chức triển khai hiệu quả các kênh thông tin tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị đặc biệt. Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) với các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật, các TTHC, chủ trương, định hướng thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp và các thông tin khác mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp theo quy định pháp luật tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi họ có yêu cầu.
Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ các dữ liệu về quy hoạch, cơ chế, chính sách cũng như hướng dẫn theo hướng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và có chỉ dẫn rõ ràng để thuận tiện tra cứu.
Tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hóa kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại các cấp chính quyền.
Các cơ quan truyền thông của tỉnh, các tổ chức hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các địa phương (DDCI) để cho các doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan trên địa bàn hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của các bộ chỉ số PCI và DDCI; các doanh nghiệp hiểu đúng, đánh giá và nhận xét đúng về nội dung của quá trình khảo sát PCI, DDCI.